Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện khu vực Trung Bộ có khoảng 21.200ha cây trồng đang bị thiếu nước và khoảng 33.500ha không đủ nguồn nước tưới nên đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Vùng Bắc Trung Bộ có hơn 21.200ha bị hạn hán, thiếu nước; trong đó, Thanh Hóa 9.000ha, Nghệ An 8.900ha, Hà Tĩnh 990ha, Quảng Bình 840ha, Quảng Trị 1.500ha.
Tổng diện tích đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của khu vực này là 8.200 ha; trong đó, Thanh Hóa 3.200ha, Nghệ An 5.000ha.
Vùng Nam Trung Bộ hiện có 25.300ha không đủ nguồn nước tưới đang phải điều chỉnh giãn vụ, giảm diện tích và chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, Quảng Ngãi 1.800ha, Bình Định 5.000ha, Phú Yên 1.000ha, Khánh Hòa 12.000ha, Ninh Thuận 4.000ha và Bình Thuận 1.500ha.
Các địa phương bị ảnh hưởng hạn hán nặng từ đầu mùa khô như Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Đến nay, lịch thời vụ gieo trồng vụ Hè Thu 2020 đã kết thúc, tỉnh Khánh Hòa có 12.000 lúa không đảm bảo nguồn nước phải dừng sản xuất.
Giữa tháng Sáu, tỉnh Ninh Thuận dự kiến cần dừng, giãn hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 10.000-11.000ha lúa. Tuy nhiên, tới nay, do có nguồn nước bổ sung từ hồ chứa thủy điện Đơn Dương, tổng diện tích giãn vụ sang vụ Mùa do thiếu nước dự kiến đến đầu tháng Bảy giảm còn khoảng 4.000ha lúa thuộc diện tích phục vụ của 21 hồ chứa thủy lợi.
Tỉnh Bình Thuận có diện tích sản xuất đạt khoảng 15.500/17.000ha, hiện còn tổng cộng có khoảng 1.500ha lúa cần tiếp tục giãn vụ sang vụ Mùa.
Nhiều diện tích lúa có nguy cơ chết khát
Tổng cục Thủy lợi dự báo, đến cuối tháng Bảy, dung tích trữ trung bình các hồ chứa khu vực Bắc Trung Bộ còn khoảng 36% dung tích thiết kế.
Lúc cao điểm, trong vụ Hè Thu-Mùa 2020 khả năng sẽ có khoảng 25.500-30.000 cây trồng bị hạn hán, thiếu nước, chiếm khoảng 6-7% diện tích gieo trồng.
Cụ thể, trên lưu vực sông Mã và vùng phụ cận thuộc tỉnh Thanh Hóa, dung tích các hồ chứa đạt khoảng 32% dung tích thiết kế. Nguồn nước bảo đảm đủ tưới cho khoảng 155.000ha cây trồng. Diện tích dự kiến bị thiếu nước phải chống hạn khoảng 7.000ha.
Hay trên lưu vực sông Lam và vùng phụ cận thuộc tỉnh Nghệ An, hiện dung tích các hồ chứa đạt trung bình khoảng 52% dung tích thiết kế. Diện tích dự kiến cần phải chống hạn khoảng 13.000-15.000ha…
Đáng nói là tình trạng hạn hán sẽ còn gay gắt hơn và mở rộng thêm từ giờ đến hết vụ hè thu. Nối dài thêm danh sách Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên sẽ là Thanh Hóa, Nghệ An cũng hứng chịu hạn hán, trong đó, theo tính toán của các chuyên gia thủy lợi, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định sẽ là ba khu vực hạn hán nặng nhất.
Tại khu vực Nam Trung Bộ, ngoài những diện tích cây trồng đang điều chỉnh giãn, dừng hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương sẽ tiếp tục được tổ chức sản xuất nếu nguồn nước thuận lợi, bảo đảm cung cấp hết vụ sản xuất. So sánh với một số năm gần đây, diện tích không đủ nguồn nước tưới năm 2020 ở mức thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2015 và 2016 – những năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng.
Ở khu vực Nam Trung bộ, dòng chảy sông, suối phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng kỳ, một số sông thiếu hụt trên 70%, như Vu Gia-Thu Bồn (Quảng Nam, Đà Nẵng), sông Ba (Phú Yên)… Mực nước một số sông đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc lịch sử (sông Thu Bồn, sông Trà Khúc).
Nhìn chung, nguồn nước trong các hồ thủy lợi đảm bảo cấp nước cho vụ Hè Thu 2020. Tuy nhiên, một số thời điểm trong vụ Hè Thu 2020 có khả năng bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn một số vị trí trạm bơm dọc sông Vu Gia – Thu Bồn.
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời gian tới, nắng nóng có thể còn tiếp tục xảy ra tại khu vực Trung Bộ, vùng núi phía Tây Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng gay gắt, lượng dòng chảy trên các sông tiếp tục suy giảm và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm, nhất là tại các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước diện rộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Đặc biệt, trên lưu vực sông Cái Phan Rang và vùng phụ cận thuộc tỉnh Ninh Thuận, dung tích trữ hồ chứa đạt trung bình 12% dung tích thiết kế, cao hơn 4% so với năm 2015, có 10 hồ đang cạn nước.
Dung tích trữ hữu ích tại các hồ chứa thủy điện ở các lưu vực sông thường xuyên tham gia cấp nước cho hạ du ở mức không cao. Cụ thể, dung tích trữ hữu ích Sông Cả là 3,4% dung tích thiết kế, Thạch Hãn 8,2%, Hương 25%, Vu Gia-Thu Bồn 20%, Sông Ba-Bàn Thạch 30%, Cái Phan Rang 19%, Lũy-La Ngà 8%.
Hiện tại, dung tích các hồ chứa thủy lợi trung bình đạt từ 30-60% dung tích thiết kế, ở mức thấp hơn so với một số năm gần đây, đã có 55 hồ nhỏ cạn nước.
Ngọc Linh (t/h)