Các nhà chức trách đang chật vật làm sạch các bãi biển Badung, Kuta, Legian và Seminyak trên đảo Bali. Chỉ trong hai ngày thứ sáu và thứ bảy vừa qua (ngày 1 và 2-1), có tới 90 tấn rác thải nhựa được thu gom.
“Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ để làm sạch các bãi biển nhưng rác vẫn liên tục đổ về. Hằng ngày chúng tôi phải triển khai rất nhiều người, xe tải và máy xúc”, Wayan Puja từ Cơ quan môi trường và vệ sinh bãi biển Badung cho biết.
Một người lướt sóng tại bãi biển Kuta đầy rác thải nhựa – Ảnh: AAP
Theo ông Puja, các nhà chức trách dọn 30 tấn rác trong ngày thứ sáu và dọn 60 tấn rác vào ngày thứ bảy.
Chính phủ Indonesia đã công bố chiến lược quốc gia vào tháng 4-2020 để đối phó với “cuộc khủng hoảng tiềm ẩn” về rác thải nhựa, vốn đang ảnh hưởng đến môi trường biển và nền kinh tế đất nước.
Các chuyên gia cho rằng việc Bali bị rác thải nhựa xâm lấn vào thời gian này đã trở thành sự kiện thường niên, gây ra bởi thời tiết gió mùa, công tác quản lý chất thải kém và cuộc khủng hoảng ô nhiễm biển toàn cầu.
Tiến sĩ Denise Hardesty từ Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghệ Liên bang Úc (CSIRO) cho biết các bãi biển phía tây nam của Bali có xu hướng bị rác dạt vào khi mưa và gió mùa thổi từ tây sang đông. Tuy nhiên, rác có thể không đi xa được và sẽ có nhiều bãi biển khác trên quần đảo Indonesia chịu số phận tương tự.
Tiến sĩ Hardesty nói rác thải nhựa ở bãi biển tăng tỉ lệ thuận với sự gia tăng sản xuất nhựa trên thế giới, nhưng ở các nước gió mùa thì ảnh hưởng có phần mạnh hơn.
Tiến sĩ Gede Hendrawan từ Đại học Udayana của Bali cho biết vấn đề lớn ở đây là hệ thống xử lý rác không hiệu quả của Indonesia.
Bali là bãi biển nổi tiếng, thu hút nhiều khách tham quan, nhất là du khách Trung Quốc. Thông thường vào thời điểm này trong năm Bali rất đông khách, nhưng vì COVID-19 nên nay rất thưa thớt.
Thống đốc Bali Wayan Koster đã lên tiếng kêu gọi nghiêm túc làm sạch bãi biển cũng như lắp đặt trang thiết bị để dọn rác nhằm chuẩn bị đón khách du lịch quay lại.
Theo TTO