Giá gạo tăng từng ngày, Việt Nam nâng diện tích lúa ở ĐBSCL

Mai Hạ|02/08/2023 13:43
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước thực trạng giá gạo trên thế giới đang tăng từng ngày, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) quyết định nâng diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long.

gao-1.8.jpg
Ông Nguyễn Như Cường-Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin tại họp báo

Chiều ngày 1/8, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ tháng 7.  Vấn đề về việc tăng diện tích trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh Ấn Độ, UAE, Nga cấm xuất khẩu gạo được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết theo kế hoạch sản xuất lúa gạo, năm 2023 cả nước gieo cấy 7,1 triệu ha với sản lượng 43 triệu tấn thóc.

"Những ngày qua, Cục Trồng trọt đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa ở các địa phương, từ đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, Tây nguyên đến vựa lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Quá trình kiểm tra cho thấy sinh trưởng của cây lúa rất tốt. Nếu không có thời tiết bất thường, dịch bệnh phức tạp trên cây lúa thì năm nay chúng ta được mùa kỉ lục. Mục tiêu đạt trên 43 triệu tấn thóc hoàn toàn có thể đạt được” - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Đề cập đến việc giá gạo toàn cầu đang tăng từng ngày trong khi nguồn cung lại có hạn, ông Cường cho rằng Việt Nam phải tranh thủ chớp thời cơ này để điều chỉnh nâng diện tích lúa và việc này sẽ được thực hiện vào vụ thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long, nâng diện tích gieo trồng từ 650.000 ha lên 700.000 ha.

“Đây là thời cơ cho chúng ta, nếu không nắm bắt sẽ bị bỏ lỡ. Hôm qua, Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng ban hành về chỉ thị tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay, trong đó tập trung các bộ, ngành, địa phương tập trung các giải pháp về mặt kỹ thuật, hành chính, pháp lý để tăng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam” - ông Cường nói.

Vị này cũng cho biết, năm 2022, sản lượng lúa gạo của Việt Nam là 42,7 triệu tấn thóc, nhưng xuất khẩu được 7,13 triệu tấn gạo. Năm nay, chúng ta sản xuất được hơn 43 triệu tấn thóc nên có thể xuất khẩu vượt kỉ lục.

Theo ông Cường thì Cục Trồng trọt vẫn đang tiếp tục phối hợp với Cục Thuỷ lợi, Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Cục Bảo vệ thực vật… làm việc với các địa phương để kiểm tra, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây lúa, đánh giá cho kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023-2024.

Về tác động của El-nino, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho hay, theo dự báo, từ tháng 10 năm nay, hiện tượng này mới bắt đầu ảnh hưởng. Do vậy, về cơ bản năm nay vụ sản xuất lúa của Việt Nam an toàn. Từ vụ đông xuân 2023-2024 sẽ chịu ảnh hưởng của El-nino, nhất là đối với sản xuất lúa, đặc biệt ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt cho rằng không nên quá lo lắng về tác động xấu của El-nino.

Những năm 2015-2016 có El-nino, bị thiệt hại khá nặng. Nhưng trong năm 2019-2020, El-nino tác động mạnh hơn nhưng tổng số diện tích bị thiệt hại chỉ khoảng 60 ngàn ha, không có diện tích nào bị mất trắng.

“Từ kinh nghiệm thực tế, chúng tôi đã có phương án, kế hoạch để ứng phó với El-nino. So với các nước trồng lúa khác thì Việt Nam ít chịu ảnh hưởng hơn vì Việt Nam có các giải pháp mềm, như các công trình thuỷ lợi, các giống lúa chống hạn, giải pháp về cơ cấu cây trồng, mùa vụ… Chúng ta không chủ quan nhưng có thể yên tâm rằng bộ có giải pháp ứng phó chủ động trước tác động của El-nino” - Cục trưởng Cường nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Giá gạo tăng từng ngày, Việt Nam nâng diện tích lúa ở ĐBSCL
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.