Môi trường - Tài nguyên

Gia Lai: Cấp bách triển khai nhiều biện pháp ứng phó nguy cơ cháy rừng

Thanh Thanh 22/03/2025 11:30

Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nhiều diện tích rừng đang ở mức báo động cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi phải cấp bách triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ cháy rừng.

Hiện nay, 9.086 ha rừng tại các huyện: Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa và TP. Pleiku thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ đang ở mức báo động V. Những ngày này, toàn bộ lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách của Ban Quản lý cùng các cộng đồng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng đang túc trực tại các vùng trọng yếu, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Trong đó, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Chư Păh với diện tích 7.169 ha.

Cụ thể, diện tích có rừng dễ cháy và rất dễ cháy nằm trên 6 vùng trọng điểm cháy ở các xã: Hòa Phú với 3 tiểu khu (229, 231, 232); Nghĩa Hưng 2 tiểu khu (257, 258); Chư Đang Ya 5 tiểu khu (248, 249, 251, 262 và 263); Đăk Tơ Ver 1 tiểu khu (208); Ia Khươl 1 tiểu khu (205) và thị trấn Phú Hòa có 2 tiểu khu (252, 253). Diện tích rừng ở đây chủ yếu là rừng trồng thông ba lá, có lớp thực bì khô rất dễ cháy, lại nằm ở những vị trí có độ dốc lớn nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao và dễ lan rộng.

capture(3).png
Gia Lai đang bước vào cao điểm mùa khô, nhiều diện tích rừng đang ở mức báo động cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm

Ông Nguyễn Tất Thành - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thông tin: Từ Tết Ất Tỵ đến nay, phần lớn lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị đều túc trực 24/24 giờ tại tất cả các vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, Kiểm lâm địa bàn vào các thôn, làng tiến hành tuyên truyền, vận động người dân có đất nương rẫy giáp ranh với rừng thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phòng-chống cháy rừng.

Bên cạnh đó, đóng các biển cảnh báo nguy cơ cháy rừng cũng như hạn chế, ngăn chặn việc người dân ra vào, nhất là mang lửa vào rừng. Ngoài ra, Ban Quản lý cũng tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng với Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh và UBND các xã, thị trấn.

Còn tại huyện Đak Đoa, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng cũng đã xác định 9 vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng với diện tích hơn 442 ha. Trong đó, diện tích do UBND các xã quản lý có 6 vùng trọng điểm với hơn 179 ha tại các xã: Đăk Krong, Adơk, Ia Băng, Ia Pết, Glar, Hnol và thị trấn Đak Đoa. Diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đak Đoa quản lý có 3 vùng trọng điểm cháy với diện tích hơn 262 ha tại các xã: Hà Đông, Hải Yang, Đak Sơ Mei, Kon Gang.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa: Trước nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, đơn vị đã phân công cán bộ, công chức tại cơ quan, các chốt chặn, Trạm Kiểm lâm cửa rừng trực PCCC rừng 24/24 giờ.

Đồng thời, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát, canh gác lửa rừng trên địa bàn huyện, nhất là khu vực rừng thông (rừng trồng) nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra cháy rừng trên diện rộng.

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo cháy rừng sớm của Chi cục Lâm nghiệp-Kiểm lâm tỉnh (website kiemlam.org.vn) và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng qua phần mềm Hotspot GLA được cài đặt trên điện thoại thông minh. Từ đó, triển khai các lực lượng, nhất là lực lượng tại chỗ để dập tắt đám cháy kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại tài nguyên rừng…

Theo kết quả rà soát của Ban Chỉ huy PCCC rừng các địa phương và đơn vị chủ rừng, toàn tỉnh hiện có 286 vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao với diện tích hơn 124 ngàn ha. Trong đó, diện tích rừng do UBND các xã quản lý có 134 vùng trọng điểm với hơn 49 ngàn ha, các đơn vị chủ rừng có 152 vùng trọng điểm với hơn 74 ngàn ha. Diện tích rừng dễ cháy tập trung chủ yếu là rừng trồng, rừng tự nhiên lá rộng, rừng khộp.


Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô năm nay, lượng mưa thấp, nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao tại các vùng trọng điểm cháy. Vì vậy, từ đầu mùa khô đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng triển khai một số biện pháp cấp bách PCCC rừng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác ứng phó, phòng-chống cháy rừng tại các địa phương và đơn vị chủ rừng do lực lượng Kiểm lâm làm nòng cốt. Đồng thời, chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các địa phương tham mưu giúp Ban Chỉ huy PCCC rừng cấp huyện có phương án cụ thể, nhất là đối với các doanh nghiệp trồng rừng, phương án huy động lực lượng “4 tại chỗ” khi cần thiết.

Cùng với đó, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng, không để xảy ra cháy rừng.

Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ thông tin thêm: Đơn vị đã tổ chức 5 chốt trực PCCC rừng tại các xã: Đăk Tơ Ver, Ia Khươl, Hòa Phú, Nghĩa Hưng; cài đặt phần mềm phát hiện sớm khi có cháy rừng…

Bên cạnh đó, đơn vị đã tổ chức đốt có điều khiển hơn 56,2 km đường ranh cản lửa… Đồng thời, chuẩn bị các phương án ứng phó tại chỗ trên toàn lâm phần. Đặc biệt, khi xảy ra cháy rừng, đơn vị có thể huy động lực lượng tại chỗ khoảng 112 người (trong đó có 98 người dân nhận khoán, bảo vệ rừng) để ứng phó, dập tắt đám cháy. Ngoài ra, các phương tiện như: ô tô, xe máy, máy thổi, máy cắt thực bì, bàn dập lửa và lương thực, thực phẩm cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.

Đồng thời, tổ chức cho các lực lượng liên quan và chủ rừng tham gia tập huấn, diễn tập PCCC rừng theo phương châm “4 tại chỗ”…Tuyên truyền, vận động người dân sinh sống, sản xuất gần rừng sử dụng lửa rừng an toàn; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ trong những tháng cao điểm của mùa khô, nhất là các vùng trọng điểm, có nguy cơ cháy rừng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gia Lai: Cấp bách triển khai nhiều biện pháp ứng phó nguy cơ cháy rừng
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.