Biến đổi khí hậu

Gia Lai chủ động phương án ứng phó với thiên tai

Thanh Thanh 13/10/2024 14:00

Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Công văn số 2347/UBND-NL thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, đồng thời chuẩn bị phương án sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành là thành viên của Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát cũng như chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai trong thời gian tới.

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, chủ động đẩy mạnh sản xuất nông-lâm-thủy sản theo định hướng; hỗ trợ nhân dân triển khai kịp thời các giải pháp phục hồi sản xuất để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân trong những tháng cuối năm 2024, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đồng thời, theo dõi, giám sát, nắm chắc tình hình thúc đẩy sản xuất kinh doanh ngành nông nghiệp để chủ động có giải pháp bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, thao túng giá đột biến, bất hợp lý, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác phòng-chống thiên tai với phương châm chủ động phòng ngừa, kịp thời, quyết liệt ứng phó, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

gia-lai.png
Gia Lai chủ động phương án ứng phó với thiên tai trong thời gian tới

Bảo đảm hạ tầng, trang thiết bị để kết nối phòng họp trực tuyến tại địa phương (đến cấp xã) sẵn sàng phục vụ tổ chức các cuộc họp, chỉ đạo, điều hành trực tuyến của lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo UBND tỉnh. Xây dựng phương án ứng trực 24/24, hướng dẫn giao thông, nhất là những nơi bị sạt lở, qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước chảy xiết. Kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa nước và thông tin liên lạc thông suốt.

Thường xuyên kiểm tra, tuần tra các khu vực xung yếu, có phương án di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản; yêu cầu người dân có ao, hồ trong khuôn viên gia đình hoặc vườn, trại phải thực hiện việc rào chắn, bảo đảm an toàn cho trẻ em. Tổ chức trực ban Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, xã khi có tình huống thiên tai xảy ra để chủ động sẵn sàng chỉ đạo, ứng phó.

Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng ngừa, ứng phó thiên tai trong thời gian tới. Rà soát lại kế hoạch, phương án sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo hướng linh hoạt, hiệu quả, thuận thiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; xem xét đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng của bão, lũ để chủ động điều tiết, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với Sở Công thương chỉ đạo các đơn vị quản lý, khai thác công trình đập, hồ chứa nước rà soát củng cố năng lực đội ngũ quản lý vận hành đập, hồ chứa nước đảm bảo đủ năng lực theo quy định; kiểm tra công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định của pháp luật; tham mưu UBND tỉnh xử lý nghiêm các đơn vị không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Sở Công Thương chủ động, tích cực chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả các mặt hàng; kịp thời triển khai các biện pháp điều tiết, bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, nguyên liệu phục vụ đời sống của nhân dân và sản xuất kinh doanh. Không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, thao túng đẩy giá, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.

Mặt khác, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển nông sản lưu thông thông suốt từ nơi thu hoạch đến nhà máy chế biến.

Sở Tài chính theo dõi chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong tỉnh; phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan theo thẩm quyền và quy định pháp luật chủ động, kịp thời có các biện pháp cần thiết kiểm soát giá vật tư đầu vào và hàng nông sản, không để xảy ra tăng giá đột biến, nhất là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn đến mặt bằng giá.

Sở Giao thông vận tải rà soát, đánh giá lại hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông; trong đó, tập trung các cầu yếu trên tuyến đường bộ để có phương án đầu tư sửa chữa, gia cố, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới đảm bảo yêu cầu phòng-chống, ứng phó với các tình huống thiên tai trong thời gian tới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị đầy đủ máy móc, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; tăng cường công tác ứng trực, tiếp nhận thông tin và tổ chức công tác cứu hộ, cứu nạn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia công tác phòng, chống thiên tai, giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn kịp thời nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các địa phương quản lý chặt chẽ việc khai thác cát, sỏi trên sông theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời, bảo đảm nguồn vật liệu xây dựng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động cấp phép, khai thác cát sỏi.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương rà soát, tổng hợp danh mục các công trình liên quan đến phòng-chống thiên tai; tham mưu UBND tỉnh đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 theo quy định.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tiếp tục chủ động chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai; triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo địa bàn, nhiệm vụ được phân công. Đảm bảo sự kết nối, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các lực lượng, cơ quan, địa phương, đơn vị trong thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến thời tiết, khí hậu, tình hình thiên tai; tổ chức trực ban (24/24) theo quy định; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nội dung chỉ đạo tại Công văn này; định kỳ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Bài liên quan
  • Bình Định chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ
    Tỉnh Bình Định hiện có 90 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó có 15 điểm nguy cơ sạt lở cao. Việc đảm bảo an toàn cho người dân nằm trong vùng sạt lở trong mùa mưa bão sắp tới là nỗi lo rất lớn của lãnh đạo tỉnh này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gia Lai chủ động phương án ứng phó với thiên tai