Gia Lai: Mưa kéo dài, người trồng cà phê “khóc ròng”

Hà Thu (T/h)|30/09/2018 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Những ngày qua, mưa kéo dài khiến nhiều diện tích cà phê ở Gia Lai bị nhiều loại bệnh hại, trong khi giá hạt cà phê lại đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Nhiều vườn cà phê bị chết, rụng gần hết quả, số còn lại, theo người dân cũng sẽ chết ngay khi nước rút đi.

>>>Hà Nội: Hội chợ các sản phẩm thủy sản sẽ diễn ra trong tháng 10

>>> Giá tôm sú sống đột ngột giảm mạnh

Thời tiết mưa kéo dài khiến cây cà phê ở Tây Nguyên bị nhiều loại bệnh hại 

Theo phản ánh của người dân, hơn 20 năm trồng cà phê cũng chưa bao giờ chứng kiến đợt mưa nào lại kéo dài như năm nay.

Vườn cà phê của các hộ dân nơi đây vào thời điểm này, nước vẫn ngập cao hơn 20cm. Một số cây đã chết, rụng gần hết quả, số còn lại, theo ông Hương, cũng sẽ chết ngay khi nước rút đi, bởi hiện nay những cây còn sống chỉ như cành cây được cắm trong bình nước, tháo nước ra sẽ chết.

Một số bà con xã Tân Sơn cho biết, vụ năm nay nông dân trồng cà phê sẽ bị lỗ nặng. Trong khi các chi phí đầu tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công làm cỏ, dọn vườn đều tăng cao, giá cà phê lại xuống thấp và giờ thì mưa kéo dài, cây chết dần chết mòn khiến người nông dân chỉ biết khóc ròng.

Giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên đang dao động ở mức 32.000 – 33.000 đồng/kg, đây là mức thấp nhất trong 7 năm qua. Điều này đi ngược lại quy luật nhiều năm là tăng dần khi gần vào vụ mới.

Theo nhận định từ các nhà kinh tế, mức giá cà phê sắp tới sẽ chưa thể tốt hơn, bởi dự báo sản lượng cà phê của Brazil, nhà cung cấp hàng đầu thế giới, sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay. Ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên, cho rằng, đây sẽ là sức ép không nhỏ, ảnh hưởng đến cả nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong nước, nhất là tại vùng Tây Nguyên, địa bàn trọng điểm cà phê của cả nước.

“Giai đoạn này cà phê xuất khẩu bán đi không có lãi nên nông dân hạn chế bán và diện tích của cà phê trong thời gian tới không có lãi nên sẽ thu hẹp chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên tôi tin thời gian không xa nữa nông dân chuyển qua ngành hàng cây khác. Bước sang giai đoạn chuyển đổi cây trồng, ngành cà phê sẽ gặp khó khăn cung ứng sản lượng cho thị trường”, ông Nguyễn Minh Đường nhận định.

Trong khi thời tiết không ủng hộ, người trồng cà phê tại Gia Lai còn phải đối diện với việc giá hạt cà phê giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi. Với thiệt hại kép này, người trồng cà phê trên địa bàn đang rất lo lắng.

Hà Thu (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia Lai: Mưa kéo dài, người trồng cà phê “khóc ròng”