Gia Lai: Người dân sống bất an dưới chân các trụ điện gió

Hoàng Linh|24/08/2022 08:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Lo sợ khi phải sống ngay dưới chân các trụ điện gió, nhiều hộ dân tại huyện Chư Pưh đã yêu cầu tỉnh Gia Lai di dời ra khỏi hành lang an toàn và đền bù thỏa đáng.

Ngày 19/8, hàng chục hộ dân tại huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai đã làm đơn khiếu nại tập thể gửi chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do các dự án điện gió trên địa bàn gây ra.

Ông Lê Hải Uân (SN 1974; trú thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) cho biết, gia đình có 3 thửa đất với tổng diện tích trên 15.000m2, trồng cà phê, bơ, sầu riêng... Khi trồng hồ tiêu thất bại, lâm cảnh nợ nần, ông Uân phải đi nước ngoài làm việc kiếm tiền trả nợ. Tháng 4/2021, ông Nguyễn Tiến Trung (không rõ lai lịch) đến gặp bà Nguyễn Thị Bích Thủy (vợ ông Uân) hỏi mua 3 thửa đất trên với giá 30 - 50 triệu đồng/1.000m2 và đặt cọc 100 triệu đồng. Một đêm tháng 6/2021, khi chưa làm hợp đồng mua bán, diện tích 3 thửa đất của ông Uân bất ngờ bị san ủi để Công ty Cổ phần Điện gió Nhơn Hòa I làm dự án điện gió.

Biết sự việc, ông Uân vội vã về nước, làm đơn gửi cơ quan chức năng. "Vợ tôi mới chỉ nhận 100 triệu đồng tiền cọc, chưa làm bất cứ thủ tục mua bán, nhận thêm khoản tiền nào khác mà toàn bộ cây cối, tài sản trị giá khoảng 1 tỉ đồng đã bị san ủi để làm dự án điện gió cho Công ty Cổ phần Điện gió Nhơn Hòa I. Tôi đã làm đơn tố giác gửi công an, UBND huyện nhưng nhiều tháng qua vẫn không có kết quả. Diện tích cà phê là nguồn thu chính của gia đình giờ bị san ủi, không còn nguồn thu nào nuôi 3 con ăn học và sinh hoạt" - ông Uân bức xúc.

tru-dien-gio.png
Người dân lo sợ khi ngôi nhà nằm ngay dưới chân trụ điện gió. Ảnh Báo NNVN

Ngoài ông Uân, gần 30 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án điện gió Ia Le 1, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư, cũng đi khắp nơi gửi đơn kêu cứu vì bị ảnh hưởng nhưng không được bồi thường, hỗ trợ. Theo các hộ dân, hơn nửa năm nay họ phải sống ngay dưới cánh quạt của dự án điện gió. Quạt điện gió quay làm đời sống, sinh hoạt bị ảnh hưởng, xáo trộn nghiêm trọng.

Theo quy định của nhà nước, các công trình điện gió phải cách xa khu dân cư ít nhất 300m. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân sinh sống gần ngay các trụ điện gió với bán kính nhà ở cách trụ gió 65 m, đất sản xuất cách 10m. Các trụ điện gió bao trùm trên mái nhà, đất và tài sản của các hộ dân. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, đời sống, sinh hoạt, vật nuôi và cây trồng của các hộ dân. Người dân cũng không thể sang nhượng đất vì không ai mua.

Bức xúc bởi dự án điện gió, các hộ dân đã làm đơn ký chung gửi từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương mong được giải quyết dứt điểm. Bà Phạm Thị Hòa (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho biết 20 năm qua, gia đình bà sinh sống, canh tác tại 3 thửa đất với tổng diện tích gần 3 ha. Sau đó, trụ điện gió N13 được dựng lên cách đất của gia đình bà hơn 10 m, cách nhà ở 93 m. "Trụ điện gió cao 117 m, bán kính cánh quạt 75 m. Riêng cánh quạt đã chiếm vào đất của gia đình tôi 64 m. Hằng ngày, chúng tôi bị tra tấn bởi tiếng ồn khủng khiếp. Khi mưa xuống thì nước theo cánh quạt đổ lên mái nhà như ai vác máy bơm xịt vào nhà, không thể chịu nổi" - bà Hòa nói.

Bà Phan Thị Minh Phượng (thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) cho biết, các dự án điện gió chỉ mua diện tích đất nhỏ để xây dựng trụ gió, phần diện tích đất xung quanh người dân vẫn sử dụng, sinh sống. "Mong muốn lớn nhất của các hộ dân lúc này là công ty phải đền bù thỏa đáng cho người dân từ nhà cửa, đất đai... để chúng tôi chuyển ra vùng an toàn sinh sống" - bà Phượng nêu yêu cầu.

Trước những vướng mắc trên, UBND huyện Chư Pưh đã tổ chức đối thoại với các hộ dân về công tác bồi thường, hỗ trợ liên quan việc ảnh hưởng ở các trụ điện gió. Tại đây, nhà đầu tư cam kết chịu trách nhiệm theo quy định hiện hành trong trường hợp phát sinh các thiệt hại trong quá trình sản xuất nông nghiệp, sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân có đất và nhà nằm dưới cánh quạt gió. Đồng thời, chủ đầu tư sẽ thực hiện bồi thường, hỗ trợ nếu có văn bản hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền.

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, hiện các dự án điện gió đang vướng cơ chế về mức bồi thường, hỗ trợ đối với đất và nhà trong hành lang an toàn cột tháp gió 300 m. Huyện đã nhiều lần họp với dân và báo cáo lên UBND tỉnh vấn đề này.

Trước đây, Bộ Công thương chỉ quy định về hành lang an toàn nhưng lại không quy định về mức hỗ trợ, bồi thường. Vì vậy, địa phương yêu cầu doanh nghiệp bồi thường cũng không biết mức bồi thường ra sao. Để tháo gỡ vấn đề này phải chờ ý kiến của Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan quy định mức hỗ trợ dưới hành lang của các trụ điện gió.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Gia Lai: Người dân sống bất an dưới chân các trụ điện gió
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.