Ngày 27-8, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho hay đang đang tạm giữ 3.500 cuốn sách giáo khoa giả để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó Đội Quản lý thị trường số 12 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra đột xuất 3 cơ sở kinh doanh Lê Văn Trí (tổ 6, phường Yên Thế, thành phố Pleiku), Siêu thị nhà sách Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê), Cơ sở kinh doanh Toàn (40 Phan Đình Phùng, TP Pleiku) thì phát hiện tổng cộng 3.500 cuốn sách giáo khoa không chứng minh được hoá đơn chứng từ và nguồn gốc.
Anh Hoàng Văn Thái, phụ huynh ở thành phố Pleiku cho biết: “Mình chưa đối chiếu nên không rõ sách thật, sách giả. Mình nghĩ có lẽ sách giả chất lượng giấy, sẽ ảnh hưởng tới mắt của học sinh. Nếu mình nghi ngờ, chắc mình phải soi mã vạch trên sách”.
Sách giáo khoa giả và thật rất khó phân biệt.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Kiểm soát viên đội quản lý thị trường số 12, Cục quản lý thị trường Gia Lai cho biết, phần lớn số sách giả thu giữ được là sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 và sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 9, đều có giá bìa cao trên 30.000 đồng/1 cuốn. Khác với các năm trước, sách giả năm nay được in ấn rất đẹp mắt, sắc nét. Tuy nhiên, điều nguy hại là trong quá trình in ấn, một số nội dung trong sách không chuẩn so với sách thật. Đối với sách tiếng anh, học sinh không thể truy cập vào các trang web của nhà xuất bản để lấy tài liệu phục vụ học tập.
“Sách giả và sách thật khó phân biệt bằng mắt thường. Cách phân biệt dễ nhất là dựa vào tem hình tròn ở bìa số 4 của sách. Khi lột ra, nếu sách thật tem có chữ giáo dục in trên tem khá sắc nét. Còn tem sách giả khi lột ra chỉ là một miếng giấy nilon bình thường. Ngoài ra, có thẻ cào số seri, nếu cào ra, số seri đó truy cập được trang web tương ứng thì đó là sách thật. Nếu trang web báo đỏ rằng mã này đã được sử dụng thì đó là sách giả”, bà Liên cho biết.
Theo anh Đào Bích Trường, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty cổ phần Sách và Thiết bị trường học Gia Lai, vì được chiết khấu rất cao so với sách thật, nên sách giả thường xâm nhập thị trường qua các cửa hàng tạp hoá: “Họ không tốn tiền in ấn, bản quyền, tác giả, giá thành rẻ thì sách giả dễ dàng đi vào thị trường. Hơn nữa, khách hàng rất khó phân biệt, rẻ thì họ mua. Nhưng lý do nó không tốt là mực kém, giấy kém sẽ ảnh hưởng thị lực học sinh. Trong quá trình biên soạn cẩu thả, sai sót nhiều, không có sự kiểm tra, kiểm soát nào thì chắc chắn có sai sót xảy ra”.
Ông Trần Minh Trường, đội trưởng Đội quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai cho biết, hiện nay, việc ngăn chặn sách giả thâm nhập vào thị trường rất khó khăn. Bởi theo quy định của pháp luật, cơ quan quản lý thị trường chỉ có thể xử phạt hành chính với cơ sở kinh doanh sách giả. Do đó, chỉ quản lý được phần ngọn, không giải quyết được gốc rễ vấn đề. Đáng lo ngại hơn là hiện nay sách giả đang được tuồn dần về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.
“Hiện nay chúng tôi đang phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục tại Đà Nẵng hoàn tất hồ sơ, chuyển cơ quan có thẩm quyền để xử lý vấn đề sách giả. Phương hướng trong thời gian tới, chúng tôi tăng cường kiểm tra sách lậu, sách giả, vùng sâu, vùng xa các huyện, thị xã. Mặt khác, chúng tôi tăng cường tăng cường kiểm tra các thiết bị trường học, đồng phục trong năm học mới”
Dựa vào tem, số SERI, lực lượng Quản lý thị trường nhận định đây là sách giả được các chủ tiệm tạp hoá xếp xen kẽ với nhiều sách thật và buộc thành bộ sách theo từng khối học để bán cho phụ huynh học sinh.
Phần lớn sách giả thu giữ được là sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 9 và sách bài tập bổ trợ từ lớp 3 đến lớp 9. Các loại sách này đều có giá bìa hơn 30.000 đồng/cuốn. Ngoài việc không thể kiểm soát được về chất lượng nội dung, nếu mua phải sách tiếng Anh giả, học sinh sẽ không thể truy cập vào website của nhà xuất bản để lấy tài liệu phục vụ học tập.
Theo lực lượng quản lý thị trường tỉnh Gia Lai, việc xử lý hoạt động bày bán sách giáo khoa giả trên thị trường ngày càng khó khăn. Về mẫu mã, các đối tượng ngày càng đầu tư in ấn đẹp mắt và sắc nét hơn, nên không dễ nhận dạng. Cơ quan quản lý thị trường chỉ có thể xử phạt hành chính với cơ sở kinh doanh sách giả, nên mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Đặc biệt, thời gian này, sách giả đang được tuồn dần về vùng sâu, vùng xa và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tiêu thụ, gây khó cho việc kiểm tra, phát hiện.
Ngọc Linh (t/h)