Giải pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam: Khuyến nghị từ chuyên gia Nhật Bản
Sau gần ba năm nghiên cứu và làm việc tại Việt Nam, ông Suzuki Takashi – Cố vấn về Quản lý rủi ro thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nhật Bản – đã công bố báo cáo tổng kết với những khuyến nghị chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống và giảm thiểu tác động của thiên tai.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa công nghệ, quy hoạch khoa học và nâng cao ý thức cộng đồng để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo đó, báo cáo đề xuất bốn nhóm giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường khả năng thích ứng của Việt Nam trước thiên tai. Trước tiên, để ứng phó với lũ lụt và xói lở bờ sông, Việt Nam cần thực hiện quy hoạch cải tạo sông dựa trên nghiên cứu khoa học về công suất dòng chảy toàn lưu vực, hạn chế tác động tiêu cực giữa khu vực thượng nguồn và hạ nguồn. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát vận hành đập, giám sát chặt chẽ các hồ chứa để tối ưu hóa điều tiết lũ. Việc quy hoạch sử dụng đất cũng cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh xây dựng khu dân cư tại các vùng có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc, cập nhật dữ liệu lũ theo thời gian thực sẽ giúp người dân chủ động hơn trong công tác phòng tránh thiên tai.
Đối với lũ quét và sạt lở đất, báo cáo khuyến nghị cần xây dựng các đập chắn tại những khu vực có nguy cơ cao, đồng thời phát triển hệ thống cảnh báo sớm để giảm thiểu thiệt hại. Việc lập bản đồ rủi ro chi tiết với độ chính xác cao sẽ giúp cơ quan chức năng có cơ sở để quy hoạch và di dời dân cư khỏi vùng nguy hiểm. Đáng chú ý, báo cáo đề xuất kiểm soát giao thông dựa trên dữ liệu lượng mưa, áp dụng cơ chế phong tỏa giao thông sớm nhằm hạn chế tai nạn đáng tiếc do sạt lở đất.
Bên cạnh các biện pháp ứng phó, báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực phòng chống thiên tai. Thay vì chỉ tập trung vào khắc phục hậu quả, Việt Nam cần dành ngân sách thỏa đáng để đầu tư vào công tác phòng ngừa. Cùng với đó, việc xây dựng các chương trình giáo dục, tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai sẽ giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, từ đó tăng cường khả năng ứng phó của người dân. Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất phát triển cơ sở dữ liệu chi tiết hơn về thiệt hại do thiên tai, hỗ trợ công tác phân tích và hoạch định chính sách hiệu quả hơn.
Về công tác phục hồi sau thiên tai, báo cáo khuyến nghị ứng dụng công nghệ để đánh giá nhanh chóng nhu cầu cứu trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng. Hình ảnh vệ tinh có thể được sử dụng để xác định chính xác mức độ thiệt hại, giúp công tác hỗ trợ diễn ra kịp thời và đúng đối tượng. Bên cạnh đó, cần lập kế hoạch phục hồi khẩn cấp, triển khai các dự án cấp bách nhằm khôi phục cơ sở hạ tầng và đảm bảo đời sống người dân sau thiên tai.
Báo cáo của ông Suzuki Takashi nhấn mạnh rằng, để tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai, Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia chủ động của người dân. Việc kết hợp các giải pháp công nghệ, quy hoạch khoa học và nâng cao ý thức cộng đồng sẽ giúp Việt Nam từng bước giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, hướng đến một xã hội an toàn và phát triển bền vững.