Giải pháp nào đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ?

Minh Khuê|22/10/2022 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Bảo đảm, phục hồi, tái thiết nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường ở các địa phương sau lũ cần những giải pháp cấp bách mang tính bền vững để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

nuoc-lu-5.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”

Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia, khách mời trong chương trình tọa đàm “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ” do Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức nêu cụ thể.

Bàn về giải pháp xử lý ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước cho người dân vùng lũ, ông Nguyễn Thành Luân – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn - Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, chúng ta cần hướng dẫn cách bảo quản các công trình cấp nước tập trung và cấp nước hộ gia đình cũng như xử lý nước vùng lũ, vùng hạn hán, để giải quyết nhanh chóng nguồn nước hợp vệ sinh phục vụ dân sinh. Về lâu dài, cần có các giải pháp đồng bộ, trước hết muốn có nước cần có nguồn nước đảm bảo. Ví dụ, các vùng hạn hán cần có các hồ chứa nước thủy lợi và hồ chứa nước phục vụ dân sinh, để khi xảy ra hạn hán hay mưa lũ, nguồn nước bị cạn kiệt hoặc bị ô nhiễm thì có nguồn nước dự trữ để xử lý.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Để bảo đảm an ninh nguồn nước và hướng tới thực hiện các mục tiêu SDG6, ở Việt Nam hiện tại cũng như trong thời gian sắp tới và lâu dài, tại Kết Luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị, nhiệm vụ ngắn hạn có, dài hạn cũng có, đảm bảo cấp nước, số lượng chất lượng nước cho sinh hoạt cho sản xuất là mục tiêu ở trong Kết luận này và trong Đại hội Đảng XIII cũng đề cập. Đến năm 2030, 100% dân số đô thị và 80% dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo an toàn đó là mục tiêu cụ thể.

Trong Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ ngành về nâng cao chất lượng về quy hoạch, giám sát các quy hoạch đây là những nhiệm vụ rất cần thiết đã được chỉ ra trong kết luận này. Ngoài ra, trong phòng chống giảm thiểu tác hại do nước gây ra như ngập lụt, hạn hán, ô nhiễm đó là những nhiệm vụ chúng ta đã, đang làm và cần phải giám sát chặt chẽ hơn.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang quản lý, những nhiệm vụ của Kết luận số 36-KL/TWcủa Bộ Chính trị cũng như các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được cập nhật vào trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước.

Nói về công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo việc khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh trong tình trạng ngập lụt kéo dài, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) cho biết: Ngay từ khi chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm. Luôn có kế hoạch ứng phó và diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng với các tình huống xảy ra.

nuoc-lu-6.jpg
Để đảm bảo môi trường và an toàn cho người dân sau mưa lũ, khi nước rút đến đâu thì cần dọn dẹp vệ sinh môi trường tới đó

Ngành y tế sẵn sàng cung ứng đủ thuốc thiết yếu/vật tư y tế, phương tiện cấp cứu, truyền thông phòng chống dịch bệnh và các tai nạn có thể xảy ra như điện giật, đuối nước... Duy trì phòng chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác và đặc biệt chú ý đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng bị chia cắt. Dự trữ và cung cấp đầy đủ hóa chất làm trong và khử khuẩn nước cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước khi có mưa, bão, lũ lụt xảy ra.

Chỉ đạo CDC các tỉnh thành chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với lụt bão theo tinh thần 4 tại chỗ (là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Ban hành tài liệu hướng dẫn truyền thông về phòng chống bệnh tật, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, xác động vật chết, tiêu độc khử trùng.

Để phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ. Đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Với xác động vật chết trong mưa lũ cần thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như dịch tả, lỵ, thương hàn…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng triển khai mô hình cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững với môi trường. Trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của cán bộ y tế, nhân viên y tế bao gồm cả trang thiết bị để ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý an toàn đối với nước sạch và vệ sinh môi trường, chất thải y tế và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ sở y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn phối hợp với UNICEF xây dựng khung chiến lược về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, hướng tới giảm phát thải khí carbon, đảm bảo cơ sở trang thiết bị, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh, phương tiện chạy bằng điện. Những dự án này kỳ vọng giúp ngành y tế nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, lũ lụt, hạn hán liên quan đến vấn đề nước sạch là vấn đề kéo dài, để có những kế hoạch phòng chống và nâng cao nhận thức cộng đồng, trước hết vai trò của cơ quan truyền thông rất quan trọng. Hiện nay, nhận thức cơ bản dân cư tập trung tại đô thị đã được nâng cao, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở các vùng nông thôn miền núi cần quan tâm hơn nữa. Các địa phương cần có những kế hoạch kêu gọi ở các cấp khác nhau, có những phần mềm theo dõi tình trạng ngập lụt, trên cơ sở dự báo, từ cấp chính quyền địa phương đến người dân có những kế hoạch cơ bản để ứng phó khi xảy ra mưa lũ, khi đó người dân sẽ chủ động hơn.

Bài liên quan
  • Ô nhiễm môi trường là nỗi lo hàng đầu sau bão lũ
    Nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, thực trạng mỗi mùa mưa lũ qua đi, không những cướp đi người và của cải vật chất, rất nhiều địa phương còn đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch và vấn đề vệ sinh môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ?