Giải pháp thích ứng cho cây trồng, vật nuôi trong mùa hạn, mặn

Thanh Hương (T/h)|07/04/2020 09:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – 2020 là năm ĐBSCL chịu hạn, mặn khốc liệt nhất. Giải pháp nào ứng phó thích ứng để bảo vệ vườn cây và đàn gia súc, vật nuôi?

ĐBSCL được xác định là vùng chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu. Theo đó, vấn đề hạn, mặn đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và canh tác của người dân trong vùng và trở thành vấn đề quan tâm của nhiều cấp, ngành hiện nay. Trong 2 tháng đầu năm 2020, hạn, mặn diễn ra gay gắt hơn so với đợt hạn, mặn lịch sử diễn ra vào năm 2016.

Song, nhờ có sự chuẩn bị các giải pháp phòng, chống, góp phần giảm thiểu thiệt hại. Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học đề xuất các giải pháp hạn chế ảnh hưởng của hạn, mặn cho cây trồng và vật nuôi của vùng: Chọn cây, con chống chịu hạn, mặn; áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm; xác định đúng thời điểm tưới nước; tăng cường tích trữ, giảm thiểu thất thoát nguồn nước; biện pháp giúp cây chống chịu ngộ độc mặn, hấp thu được dưỡng chất.

Bên cạnh đó là các giải pháp quản lý đất trong điều kiện hạn, mặn; xây dựng mô hình cây trồng cạn trên đất lúa; xây dựng hệ thống mạng cảm biến giám sát xâm nhập mặn… Về lâu dài, các nhà khoa học đề xuất nghiên cứu, xây dựng quy hoạch tổng thể cũng như hoàn thiện kịch bản ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng…

Tại hầu hết các vườn cây ăn trái, nông dân chủ động đào kênh, rãnh chứa nước, đảm bảo tưới tiêu mùa nắng nóng

Khả năng chịu mặn của cây trồng

Gần đây, tại hội thảo bàn về giải pháp quản lý đất canh tác trong điều kiện hạn, mặn ở vùng ĐBSCL, các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ đã đưa ra nhiều tham luận, đóng góp ý kiến giúp nhà nông giảm thiểu tác hại trong sản xuất nông nghiệp.

PGS.TS Lê Vĩnh Thúc, Bộ môn khoa học cây trồng, cho rằng: Nước mặn là nước có chứa các ion: Na+, Ca2+, Mg2+, K+, HCO3-, SO42- và Cl-. Mặn là một trong các tác nhân làm giảm năng suất cây trồng rất lớn. Mức độ thiệt hại do mặn có mối quan hệ với khả năng chịu mặn của cây.

Đặt vấn đề làm thế nào tăng khả năng hấp thụ nước của cây khi hiện diện của mặn.

Giảm ảnh hưởng của mặn bằng cách như: Rửa mặn, hạn chế bốc thoát hơi nước, sử dụng các khoáng để bón như canxi, kali và kết hợp các biện pháp trên.

Dẫn chứng về sử dụng nước mặn tưới cho cây trồng, Israel dùng nước mặn cho cây bông vải bằng phương pháp tưới phun (5 dS/m), cải đường (4,4 dS/m) (dS/m là đơn vị đánh giá độ mặn – 1 dS/m tương đương 0,64‰). Ở Mỹ, California nước mặn 3,2 dS/m tưới cho cây trồng theo thời gian, năng suất giảm. Ở Ấn Độ sử dụng nước tưới có nồng độ mặn 2‰ để tưới cho cây trồng.

Theo PGS.TS Lê Vĩnh Thúc, khi sử dụng nước mặn tưới cho cây lưu ý thời gian và cách tưới có ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Sử dụng nước có nồng độ mặn thấp hơn, có hệ thống thoát nước rửa mặn.

Qua thử nghiệm thực tế tưới mặn nồng độ 2‰ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mè, phun Silic duy trì màu xanh của lá mè trong điều kiện mặn, phun Silic 100 ppm có thể giúp cây mè chống chịu mặn.

Cách nào ứng phó trong chăn nuôi?

Trong tình hình hạn, mặn đang diễn ra ở ĐBSCL, GS Nguyễn Văn Thu – Khoa Nông nghiệp, Trường Đại Học Cần Thơ, cho rằng: Hạn, mặn sẽ ảnh hưởng tiêu cực (thường kỳ và bất thường) đến cây trồng và thủy sản và làm gia tăng sự nghèo khó. Trong điều kiện đất đai không được cải thiện sẽ làm giảm hay mất nguồn phụ phẩm, đồng cỏ, thiếu nước ngọt, uống nước nhiễm mặn, suy dinh dưỡng, giảm sức khỏe và gây ra dịch bệnh.

Đối với loại hình chăn nuôi công nghiệp ảnh hưởng ít, nhưng chăn nuôi gia đình quy mô nhỏ thì lớn. Nếu hạn mặn gây ảnh hưởng trầm trọng cần có sự chuyển đổi về các mô hình chăn nuôi để nâng cao khả năng thích ứng.

Chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng. Ảnh: Trọng Linh.

Trước tiên ảnh hưởng của hạn – mặn trực tiếp đến chăn nuôi gia súc gia cầm (GSGC). Uống nước mặn, đàn vật nuôi bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đến vượt ngưỡng chịu đựng, ngộ độc và nghiêm trọng là bệnh về thận.

Sức đề kháng giảm, gây bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả, cúm, E.Coli, phó thương hàn, tụ huyết trùng. Giải độc muối dư thừa bằng cách sử dụng nước mặn, bị ngộ độc muối cao hơn, có thể chết do phá vỡ sự cân bằng anion-cation trong cơ thể.

Về khả năng chịu mặn GSGC: Gà vịt chịu đựng mặn từ 1‰ – 2‰, heo dưới 4‰, trâu, bò và dê dưới 7‰, vịt biển từ 11‰ – 15‰. Gia súc non, đang mang thai và cho sữa chịu mặn kém hơn ở gia súc trưởng thành và gia súc nuôi thịt.

Theo GS Thu, giải pháp chăn nuôi thích ứng hạn mặn, hạn chế mặn, phát triển và dự trữ nước ngọt, cây trồng thích ứng, bảo tồn và tận dụng hệ sinh thái rừng ngập mặn để chăn nuôi (ví dụ: cây bần, mắm, đước, lức…).

Lựa chọn những loài và giống vật nuôi phù hợp với địa phương, thích ứng hạn mặn và dịch bệnh để phát triển và có đầu tư lâu dài (ví dụ: gà, vịt, dê cừu, bò, thỏ, động vật hoang dã). Chọn mô hình chăn nuôi công nghiệp mới (gà, vịt biển, heo, thỏ…), mô hình chăn nuôi kết hợp thông minh (ví dụ: thỏ, tôm và cỏ; dê, cây cỏ chịu mặn và cây ăn trái; bò sữa, bò thịt, lúa và cỏ chịu mặn, tôm cá…) và giảm khí thải.

Đầu tư về nghiên cứu, thử nghiệm và dự án về mô hình chăn nuôi mới, tạo nguồn thức ăn cho chăn nuôi (thức ăn gia súc, đồng cỏ, phụ phẩm trồng trọt) thích ứng hạn mặn và giảm khí thải hiệu ứng nhà kính.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp thích ứng cho cây trồng, vật nuôi trong mùa hạn, mặn