[Góc nhìn tuần qua] Đừng để “giặc” lửa đến nhà mới lo chạy

Ban biên tập Moitruong.net.vn|15/07/2023 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ từ những căn nhà kết hợp giữa ở và kinh doanh đã được cảnh báo rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên, do ý thức phòng cháy, chữa cháy của người dân còn hạn chế, lại tận dụng tối đa không gian của căn nhà để kinh doanh khiến hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Góc nhìn tuần qua: Đừng để “giặc” lửa đến nhà mới lo chạy

Theo thống kê của lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ Công an TP Hà Nội, với đặc thù đô thị hóa toàn diện, hiện trên toàn thành phố có khoảng 70% nhà ở là dạng ống và có hàng trăm nghìn nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có lối duy nhất để thoát nạn là cửa ra vào. Khảo sát một số cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, hàng hóa được người dân sắp xếp thiếu khoa học, chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng nếu có cháy nổ xảy ra, thiếu hoặc không có thiết bị PCCC.

Để phòng ngừa kẻ gian thì nhiều gia đình, hộ kinh doanh đã dựng lên những lồng sắt, "chuồng cọp", gia cố thêm cửa hay biển quảng cáo ngoài ban công trên các tầng nhà… gây nên tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, che chắn hết lối thoát nạn khi có cháy, nổ, sự cố xảy ra và để lại những hậu quả nghiêm trọng. Việc người dân tự ý lắp "chuồng cọp" không phải mới, nhưng các vụ cháy xảy ra mới đây ở những căn nhà này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Để giảm thiểu những vấn đề còn tồn tại trong công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ có việc tuyên truyền cho người dân mà còn phải có nhân lực cho ngành phòng cháy. Nhiều người nghĩ rằng đào tạo lĩnh vực phòng cháy chữa cháy là học nghiệp vụ và thực hiện các nhiệm vụ chữa cháy, khoác lên mình màu áo lính cứu hỏa. Trên thực tế, ngoài hệ quân sự, công tác phòng cháy tại Việt Nam đang cần nguồn nhân lực dân sự có chuyên môn sâu về kỹ thuật phòng cháy, nhất là tại thành phố lớn hay khu công nghiệp, các ngành kinh tế như xăng dầu, hàng không… Tuy thị trường lao động cần nhưng đào tạo nguồn nhân lực cán bộ phòng cháy đang còn khá khiêm tốn và không được nhiều thí sinh biết đến.

Mỗi người dân và các gia đình cần trang bị kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy; trang bị những thiết bị phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cơ bản để bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hạn chế tối đa thiệt hại, thương vong từ "giặc lửa". Đừng để “giặc” lửa đến nhà mới lo chạy thì đã quá muộn, ngay từ bây giờ, các hộ gia đình, doanh nghiệp cần tiếp nâng cao ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy, bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ và biết cách sử dụng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình, công ty cùng biết. Có thể thấy chỉ cần thêm một người dân hiểu biết về phòng cháy chữa cháy thì sẽ giảm đi nguy cơ, thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
[Góc nhìn tuần qua] Đừng để “giặc” lửa đến nhà mới lo chạy