GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Nhà khoa học vì môi trường

Thu Hà – Tuấn Anh|26/01/2020 04:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Với gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, GS.TS Đặng Thị Kim Chi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội Việt Nam, đồng thời là nhà khoa học đi tiên phong trong việc nghiên cứu và đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề môi trường tại các làng nghề của Việt Nam.

Trước khi biết cô, tôi vẫn hình dung rằng, cô có lẽ là một người nghiêm khắc, khô khan… bởi công việc của cô liên quan đến những phép tính, liên quan đến những con số biết nói về hiểm họa tiềm tàng của sự ô nhiễm môi trường đối với đời sống con người…Nhưng, mọi suy nghĩ của tôi đã nhầm lẫn, khi đối diện với tôi là một người phụ nữ nhẹ nhàng, quý phái.

Mặc dù xuất thân từ gia đình trí thức, nhưng từ nhỏ, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi luôn gắn bó, dành tình cảm đặc biệt với nông thôn. Mộng mơ, yêu thích văn chương nghệ thuật, nhưng rồi như là nghề chọn người, cô lại lựa chọn bước vào cổng trường Đại học Bách khoa Hà Nội để gắn bó duyên nghiệp ở đó.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Nhà khoa học vì môi trường

Khai phá” ngành môi trường

Nhớ lại thời điểm bắt đầu bén duyên với lĩnh vực môi trường, Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) – Nhà giáo Nhân dân Đặng Thị Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam: tâm sự: “Tôi vốn tốt nghiệp khoa Hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó ở lại trường làm cán bộ giảng dạy. Đến năm 1976, chủ nhiệm khoa đặt vấn đề rằng chiến tranh kết thúc, đất nước tập trung vào phát triển kinh tế nhưng chúng ta phải quan tâm đến bảo vệ môi trường. Vì vậy, tôi được lãnh đạo nhà trường và khoa cử đi làm nghiên cứu sinh ở Đức về lĩnh vực này”.

“Ban đầu tôi rất băn khoăn vì môi trường là ngành còn quá mới đối với Việt Nam thời đó, nhưng vì trách nhiệm của mình đối với khoa, với trường và cũng không thể phụ lòng tin của mọi người trong ngành, tôi quyết tâm đi học. Hồi mới sang Đức, là con gái học kỹ thuật, lại học về một ngành mà ở Việt Nam chưa từng có nên tôi vất vả hơn các bạn, phải học lại kiến thức từ đầu để theo được chương trình” – GS.TS Kim Chi kể lại.

Dường như khó khăn là chất xúc tác khiến con người nỗ lực nhiều hơn. “Có những đợt phải làm thí nghiệm liên tục, tôi đến trường khi đèn đường chưa tắt và trở về thì đèn đường đã bật. Nhiều lúc tôi nghĩ mình chưa làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ. Những khi nhớ con, thương chồng, tôi lại nghĩ về hình ảnh anh bộ đội bế con vẫy tay chào lúc tiễn tôi lên máy bay mà thấy nặng lòng” – cô bày tỏ.

Sau khi về nước, GS.TS Đặng Thị Kim Chi đã cùng các cán bộ được đào tạo về lĩnh vực bảo vệ môi trường đã thành lập Nhóm Chuyên ngành về Môi trường. “Năm 1994 chúng tôi tiến tới thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ Môi trường, rồi đến năm 1998 thì phát triển thành Viện Khoa học và Công nghệ môi trường. Sự thành lập của Viện có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi các lứa kỹ sư chuyên ngành Kỹ thuật môi trường đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu được đào tạo từ thời điểm này.” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi bồi hồi kể về thời kỳ bà cùng đồng nghiệp chung sức xây dựng nền móng cho lĩnh vực môi trường ở Việt Nam.

Bén duyên với môi trường làng nghề từ một đề tài khoa học

Nói về lý do vì sao lại theo đuổi đề tài môi trường làng nghề cô cho biết: Khoảng những năm 1998, khi mà Viện Khoa học công nghệ môi trường vừa mới thành lập, cô được tiếp xúc với chuyên gia người Mỹ đến Việt Nam để nghiên cứu vấn đề môi trường tại các làng nghề thủ công. Sau khi tham gia đề tài và đi thực tế tại các làng nghề cô nhận thấy rằng, vấn đề môi trường của làng nghề , một loại hình sản xuất rất đặc trưng của Việt Nam này lại đang bị bỏ ngỏ. Xuất phát từ suy nghĩ đó, GS.TS Đặng Thị Kim Chi quyết tâm đi sâu vào nghiên cứu và thực tiễn về môi trường ở các làng nghề. Càng tìm hiểu, cô lại càng nhận thấy được nhiều điểm đặc biệt của làng nghề Việt Nam, cũng như càng nhận thức được sự cấp thiết của việc giải bài toán về môi trường ờ loại hình sản xuất này.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng và phát triển ngành KHCN môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội

“Làng nghề là một hình thức rất đặc thù của nông thôn Việt Nam và chỉ ở Việt Nam mới có nhiều làng nghề như vậy. Đó là một hoạt động phi nông nghiệp nhưng lại tồn tại trong vùng nông thôn. Làng nghề ra đời nhằm tận dụng lao động lúc nông nhàn. Ban đầu, các sản phẩm làng nghề chỉ được trao đổi mua bán trong làng xã nhưng rồi lại được mở rộng giao thương ra các tỉnh và thậm chí là xuất khẩu. Nói tóm lại đây là hướng phát triển kinh tế nông thôn rất đặc thù.” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi nhận định về loại hình sản xuất làng nghề ở Việt Nam.

Cũng chính vì là hoạt động kinh tế tự phát từ những người nông dân nên sản xuất làng nghề có nhiều điểm hạn chế nhất định. Ví dụ: Công nghệ sử dụng lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ và xen kẽ với hoạt động sinh hoạt gia đình. Vì vậy, vấn đề chất thải phát sinh từ các hoạt động nghề thủ công thậm chí còn nhiều hơn các hoạt động sản xuất  hiện đại, quy mô lớn.

“Một trong những điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là việc các cơ sở sản xuất làng nghề thường nằm ngay trong khu dân cư, nên gây tác động trực tiếp đến những người dân vừa sinh sống vừa sản xuất tại đây. Nhận thức được trách nhiệm của mình về một vấn đề môi trường đang rất nóng, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng mực này, tôi đã quyết định đi sâu vào lĩnh vực môi trường các làng nghề Việt Nam” – GS.TS Đặng Thị Kim Chi chia sẻ.

Thành quả của 16 năm nghiên cứu về môi trường làng nghề!

Trong giai đoạn 1999-2013, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi đã thực hiện, với vai trò là chủ nhiệm đề tài, tổng cộng 14 đề tài nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn đề môi trường làng nghề, đặc biệt trong đó có một đề tài cấp Nhà nước. Kết quả thu nhận được từ những đề tài này chính là căn cứ quan trọng, để GS.TS. Đặng Thị Kim Chi xây dựng Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam”.

Việc Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam” được trao giải Nhất giải thưởng “Nhân tài đất Việt 2019” trong lĩnh vực Môi trường, đã một lần nữa khẳng định những giá trị to lớn của công trình này, trong việc góp phần giải quyết bài toán về ô nhiễm ở các làng nghề Việt Nam.

GS.TS Đặng Thị Kim Chi đi thực tết tại mỏ vàng Phước Sơn

Chia sẻ về giải thưởng, GS.TS Đặng Thị Kim Chi khẳng định: “Đây là thành quả của cả tập thể, cô với vai trò là chủ nhiệm. Trong quá trình thực hiện đề tài có rất nhiều khó khăn, đặc biệt khó khăn xuất phát từ chính bà con trong làng nghề, đó là nhận thức về bảo vệ môi trường của họ còn rất yếu, tư duy “tiểu nông”, đặt cái lợi trước mắt lên đầu của không ít các chủ làng nghề, vốn là một trong những rào cản lớn nhất trong việc giải quyết bài toán môi trường làng nghề Việt Nam.

“Có nhiều làng nghề khi chúng tôi về đặt vấn đề xây dựng mô hình thí điểm, các hộ sản xuất mặc dù không mất kinh phí nhưng vẫn “chối đây đẩy”. Thế nhưng khi mô hình thành công, thì các hộ xung quanh lại muốn nhà khoa học “sang làm mô hình ở nhà tôi !!!”.

“Hay một ví dụ khác là: chúng tôi làm thử nghiệm hệ thống xử lý hơi dung môi phát sinh tại hộ sản xuất ở một làng nghề sơn mài, khi làm xong hiệu quả hoạt động của hệ thống rất tốt. Tuy nhiên, chủ cơ sở lại phàn nàn rằng, hệ thống này khiến gia đình mất thêm tiền điện mỗi tháng, trong khi các nhà khác không cần lắp cũng không sao. Đôi khi nhận thức của họ về trách nhiệm  với cộng đồng vẫn còn rất hạn chế, GS.TS Đặng Thị Kim Chi trăn trở.

Tuy nhiên, giải thưởng Nhân tài đất Việt sẽ là một nguồn động lực, khích lệ to lớn để cô tiếp tục cống hiến cho lĩnh vực môi trường làng nghề nói riêng và môi trường Việt Nam nói chung.

Nói về kỷ niệm trong sự nghiệp nghiên cứu môi trường làng nghề, GS.TS Đặng Thị Kim Chi tâm sự, ngày 30 Tết năm ấy, khi tôi đang bận rộn tất bật với nhà cửa bếp núc thì có hai người đi xe máy mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc tìm đến, họ là người của cơ sở chế biến gỗ tại làng nghề, đến để tặng gia đình một món quà. Đó là bức phù điêu gỗ khổ vuông 50 x 50 chạm chữ Phúc rất đẹp đẽ và công phu. Trong lúc tôi xúc động không nói nên lời thì họ mở đồ nghề mang theo bắt vít, ngắm nghía chỗ treo, rồi khoan tường treo tác phẩm để gia đình tôi kịp đón Tết. Thì ra, trong chuyến điền dã về làng nghề thủ công chế biến gỗ, thấy người dân sống chung với ô nhiễm bụi, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhóm nghiên cứu đã tìm tòi lắp đặt thử nghiệm hệ thống thu bụi tại khu vực máy cưa gỗ, kết quả việc phát sinh bụi tại khu vực giảm đáng kể, hạn chế được tình trạng ô nhiễm bụi.

Sau nhiều năm đi sâu vào lĩnh vực môi trường làng nghề, GS.TS. Đặng Thị Kim Chi đúc rút được rằng, đánh giá chất lượng môi trường làng nghề phải phụ thuộc vào đặc thù công nghệ sản xuất và sản phẩm của làng nghề đó. “Việc đánh giá chất lượng môi trường làng nghề phải phụ thuộc vào đặc thù công nghệ sản xuất và sản phẩm của làng nghề đó. Ví dụ,với làng nghề dệt nhuộm thì vấn đề ô  nhiễm môi trường tập trung vào nước thải có chứa màu nhuộm và một sô hóa chất , khí thải có bụi và các khí ô nhiễm do dùng than nấu nhuộm vải; làng nghề chế biến thực phẩm thì nước thải phát sinh nhiều với đặc trung của quá trình chế biến tinh bột như sắn, bún, bánh phở và giết mổ chăn nuôi gắn liền với nhau; làng nghề tái chế phế liệu như nhựa , giấy  thì ngoài ô nhiễm nặng về nước thải, khí thải  và kèm theo chất thải rắn sinh ra từ quá trình phân loại . Sự phân loại này cũng chính là định hướng để chúng tôi xây dựng các nội dung trong công trình nghiên cứu khoa học “Môi trường các làng nghề Việt Nam”.

Dù các cống hiến cho lĩnh vực môi trường làng nghề, đặc biệt là Công trình nghiên cứu khoa học: “Môi trường các làng nghề Việt Nam” của GS.TS. Đặng Thị Kim Chi và cộng sự đã đem lại nhiều giá trị thực tiễn to lớn, nhưng cô vẫn còn nhiều mối băn khoăn. GS chia sẻ: “Các giải pháp mà tôi đưa ra dù đạt được những giá trị thực tiễn nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Các mô hình dù hiệu quả đến đâu nhưng để áp dụng vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng tới kết quả đó là nhận thức của chủ cơ sở sản xuất về trách nhiệm đối với bảo vệ môi trường , sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Hiện nay nhiều làng nghề đã phát triển nhanh chóng cả về quy mô và kĩ thuật công nghệ sản xuất, hướng tới cơ khí hóa, tự động hóa, một sô làng nghè nhiều hộ gia đình đã hình thành các các xí nghiệp sản xuất quy mô tập trung tại các cụm công nghiệp nhưng cùng với đó vấn đề môi trường cũng phức tạp lên rất nhiều. Tại một số nơi đã xuất hiện xung đột về môi trường, như nước thải sản xuất của làng nghề gây ô nhiễm các kênh mương tưới tiêu của khu vực dòng sông, xả khí thải từ làng nghề chưa được xử lý còn lan truyền sang những làng hay khu dân cư lân cận.”

Để giải quyết bài toán môi trường làng nghề cần có các tổ chức xã hội chính trị , kể cả tôn giáo trong làng nghề đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục trong cộng đồng dân cư tự giác bảo vệ môi trường, sẽ hiệu quả hơn hẳn khi vấn đề bảo vệ Môi trường chỉ được tác động từ bên ngoài. Nếu không có sự quyết liệt của chính quyền và sự ủng hộ của bà con thì rất khó đi vào thành công.

Là một người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học và lăn xả trên mọi nẻo đường đi tìm kết quả của những công việc của mình, nhưng GS.TS Đặng Thị Kim Chi luôn biết cách hài hòa giữa công việc và chăm nom gia đình. Cô nói rằng, hai thứ đó như hai đầu một cái cân, không nên để mất cân bằng, không thể đánh đổi gia đình và công việc và đã là phụ nữ, thì phải biết giữ cho cái cân ấy thăng bằng thì mới vẹn tròn đôi ngả.

Cô may mắn có được một người chồng thông cảm, sẻ chia, một người mẹ chồng nấu ăn ngon và luôn chỉ bảo cho con dâu mọi điều hay lẽ phải, nhưng hơn hết, cô là người phụ nữ biết lắng nghe, biết quan tâm, biết bù đắp cho chồng con những khoảng thiếu hụt để giữ vẹn một gia đình bình yên, một bến đỗ mà bất cứ một đời người phụ nữ nào cũng cần hơn tất thảy.

Hạnh phúc gia đình, với cô, không giá nào có thể đánh đổi, cô luôn mong muốn được sống theo những truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Làm khoa học trong một lĩnh vực rất đặc thù, phải đi lại nhiều nhưng về tới nhà, cô là một người vợ, người mẹ, người bà theo đúng nghĩa. Gia đình nội ngoại có công việc hiếu hỷ, chị em cô vẫn phải vào bếp nấu các món ăn như các gia đình truyền thống Việt Nam”.

Với những cống hiến của mình trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, hoạt động xã hội, cô đã được nhận Huân chương lao đọng hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Khoa học và Công nghệ .. và nhiều Huy chương, Bằng khen khác: Cô đã được trao tặng Giải thưởng giải thưởng Môi trường Việt Nam 2005, đặc biệt là giải thưởng Kovalevskaia 2008 – Giải thưởng tôn vinh các tập thể và cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và gần đây nhất cô đã nhận được giải nhất về lĩnh vực môi trường của giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019.

Thu Hà – Tuấn Anh

Bài liên quan
  • Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Đoàn kết, quyết tâm thực hiện thành công nghị quyết đại hội nhiệm kỳ IV (2019 – 2024)
    Moitruong.net.vn – Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam (Hội NS&MT Việt Nam) đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện nhiều dự án liên quan đến nước sạch và môi trường. Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Môi trường và Cuộc sống về những kết quả đạt được trong năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ trong năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Nhà khoa học vì môi trường