Theo người dân, thời gian qua trên tuyến đường Quang Trung, thuộc phường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội), vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng để kinh doanh làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông và gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Tại đây, hàng loạt cửa hàng bán xe đạp, sửa xe máy, bán hàng ăn uống ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh. Thậm chí, một số cửa hàng kinh doanh xe đạp đối diện ngay trụ sở Công an phường Quang Trung (quận Hà Đông) cũng thản nhiên bày bán xe đạp la liệt trên vỉa hè, làm cản trở lối đi bộ của người dân… bất chấp quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, cũng quanh khu vực đường Quang Trung, không chỉ có tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng kinh doanh, mà nhiều nơi lòng đường, vỉa hè còn trở thành chỗ đỗ, đậu xe ô tô tràn lan; thậm chí, nhiều xe ô tô còn đỗ hẳn vào làn dừng đỗ tại điểm dừng dành cho xe buýt, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và làm mất mỹ quan đô thị trên địa bàn quận Hà Đông.
Một số người dân tại phường Quang Trung (Hà Đông) cho biết, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán trên tuyến đường Quang Trung không chỉ diễn ra ban ngày, mà cả ban đêm. Thậm chí, nhiều cửa hàng kinh doanh ngay mặt đường lớn, gần với trụ sở Công an phường, nhưng vẫn “thản nhiên” lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, vi phạm nghiêm trọng các quy định về đảm bảo trật tự đô thị và ảnh hưởng đến các phương tiện và người đi bộ khi tham gia giao thông.
Không chỉ quận Hà Đông, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán sau một thời gian lắng xuống, gần đây lại tái diễn nghiêm trọng hơn trên nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội.
Chỉ ít ngày sau khi lực lượng chức năng ra quân chấn chỉnh, xử phạt, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán lại tái diễn trên nhiều tuyến phố như: Chùa Láng (Đống Đa), Trần Hữu Dực (Nam Từ Liêm), Vũ Trọng Phụng (Thanh Xuân), Triều Khúc (Thanh Trì), Trần Phú, Cầu Đen (Hà Đông)...
Mỗi buổi tối khi các hàng quán bán đồ ăn vặt tại phố Chùa Láng bắt đầu mở cửa, vỉa hè tại khu vực này rộng khoảng 3m đã bị lấn chiếm, thu hẹp lại chỉ còn chưa đến 1 mét. Hàng loạt bàn ghế nhựa và những hàng xe máy để bừa bãi dưới lòng đường.
Dù công an khu vực đã nhiều lần ra quân xử lý trật tự vỉa hè nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn và thậm chí còn xảy ra nghiêm trọng hơn. Nhiều hàng quán không chỉ lấn chiếm vỉa hè mà còn lấn cả xuống lòng đường, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.
Tại những khu vực như phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) hay phố Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm), dù công an địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, thậm chí xử phạt nhưng những hộ dân sử dụng vỉa hè làm nơi bày bán hàng quán vẫn tiếp diễn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi bộ khi họ buộc phải đi xuống lòng đường.
Vỉa hè rộng gần 5 mét của một cây cầu trên đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) được tận dụng làm nơi bán hàng kiêm chỗ để xe của không chỉ một mà tới 3 quán ăn cùng một lúc
Phố Triều Khúc (huyện Thanh Trì) thường hay tắc vào những giờ cao điểm nhưng nhiều khi hết khung giờ cao điểm con đường này vẫn chưa thoát khỏi cảnh tắc đường. Nguyên nhân gây ách tắc giao thông không phải là các phương tiện mà do các hàng quán mở bán bừa bãi trên vỉa hè dọc hai bên đường.
Còn tại đường Nguyễn Xiển (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội), rất nhiều xe ô tô, xe máy bán hàng rong chình ình ngay dưới lòng đường. Theo ghi nhận, tình trạng trên đã diễn ra trong một thời gian dài, các lực lượng chức năng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, khi không có mặt các lực lượng chức năng thì tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh lại tiếp tục tái diễn.
Trước kia, thay vì bán trên vỉa hè, giờ đây hàng hóa lại được bày bán ngay dưới lòng đường, trên các phương tiện từ xe đạp, xe máy, thậm chí cả ô tô... Ghi nhận thực tế tại tuyến đường Nguyễn Xiển, có hàng chục “sạp hàng di động” lớn, nhỏ mọc trên tuyến đường này, ngang nhiên lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để bày bán hoa quả các loại.
Người bán đã vậy, người mua cũng thản nhiên dừng đỗ phương tiện ngay dưới lòng đường… khiến việc di chuyển của các phương tiện khác gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giờ cao điểm.
Từ tháng 4/2008, Hà Nội đã ban hành Quyết định 20 của UBND về việc quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường trên địa bàn thành phố; Trong đó có quy định cụ thể nội dung quản lý và sử dụng hè phố, lòng đường chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, nếu sử dụng cho mục đích khác thì phải có sự cho phép của UBND. Mặc dù đã có quy định rõ ràng như vậy nhưng nhiều vỉa hè vẫn không thoát khỏi số phận bị “cầm tù” bởi nhiều hàng quán.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công an thành phố, các quận huyện thường xuyên tổ chức đợt cao điểm xử lý trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, UBND thành phố còn yêu cầu các đơn vị, địa phương kiên quyết xử lý phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng, đỗ xe sai quy định, các điểm trông giữ phương tiện tự phát...; Mạnh tay xử lý những đơn vị, cá nhân vi phạm, tránh để tình trạng vỉa hè nhếch nhác, bừa bãi, gây mất mỹ quan đô thị.