Hà Nội: Bếp than tổ ong vẫn “đỏ lửa” trên nhiều tuyến phố

Việt Phương|15/01/2021 10:38
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Theo Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội, từ đầu năm 2021, sẽ xoá bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều gia đình trên địa bàn thành phố vẫn sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt gia đình dù biết là độc hại.

Để quyết tâm “khai tử” nguồn ô nhiễm này, TP.Hà Nội đã có Chỉ thị số 15, trong đó, yêu cầu đến năm 2021, trên toàn thành phố phải xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong. Sau thời gian thực hiện, đến nay, trên địa bàn TP.Hà Nội số lượng bếp than tổ ong đã giảm đáng kể, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Rất nhiều bếp than tổ ong tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai hàng ngày vẫn đỏ lửa. Đây là 1 trong 3 quận có tỉ lệ giảm số lượng bếp than tổ ong thấp nhất so với các quận khác. Rất nhiều gia đình ở đây còn sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt gia đình dù biết là độc hại.

Nhiều người vẫn đun bếp than tổ ong dù biết là độc hại

Theo Sở TN&MT TP.Hà Nội, tính đến quý III/2020, từ hơn 55.000 bếp than, thành phố còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Các địa bàn có tỉ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%).

Trên thực tế, dù đa phần người dân đều nhận thức được sự nguy hại đến sức khỏe từ bếp than tổ ong. Tuy nhiên, do do giá “siêu rẻ”, một số hộ gia đình, hộ kinh doanh vẫn sử dụng.

Được biết, trong quá trình đốt than tổ ong, người tham gia đốt than có thể phơi nhiễm với chất độc hại CO và PM 2.5. Mặc dù các phường trên địa bàn đã triển khai truyền thông và hướng dẫn chuyển đổi nhưng lượng bếp đang sử dụng vẫn nhiều.

Xóa bỏ 100% bếp tổ ong

Xóa sổ bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu trọng điểm của Hà Nội. Thế nhưng, để về đích cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và người dân.

Theo Chỉ thị của UBND thành phố, từ ngày 1/1/2021, Sở TN&MT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã áp dụng Nghị định 155 ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu.

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo vệ sinh, môi trường, các quy định về quản lý quy hoạch, quản lý đất và các yêu cầu về quản lý kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh than tổ ong trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo lãnh đạo TP.Hà Nội, nếu chỉ bằng quyết định hành chính, khó có thể chấm dứt việc sử dụng than tổ ong cũng như việc đốt rơm rạ trên địa bàn, mà phải có chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông vừa có chỉ đạo triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí trên địa bàn, yêu cầu Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức ra quân từ đầu năm 2021 để kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than/than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.

“UBND các quận, huyện thị xã phải tập trung, tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước, hoàn thành chỉ tiêu loại bỏ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố; từ 6/1/2021, hạn chế tình trạng đốt rơm rạ trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đảm bảo việc thu gom triệt để rác thải, vận chuyển, xử lý đúng quy trình, quy định, không để tồn đọng gây ô nhiễm môi trường; không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ; tăng cường trồng cây xanh, trồng rừng…”, công văn nêu.

Việt Phương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Bếp than tổ ong vẫn “đỏ lửa” trên nhiều tuyến phố