Hà Nội: “Biển người” đi chơi Trung thu và nguy cơ bùng phát dịch Covid-19

Hoàng Anh|22/09/2021 02:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Tối 21/9, ngay trong ngày đầu tiên, TP Hà Nội áp dụng nới lỏng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15, người dân Thủ đô đã ùn ùn đổ ra các tuyến phố chính trung tâm vui Tết Trung thu và gây ra hiện tượng ùn tắc cục bộ và nguy cơ bùng dịch.

XEM VIDEO: Hà Nội: “Biển người” đi chơi Trung thu và nguy cơ bùng phát dịch Covid-19

Ngày đầu tiên nới giãn cách (21/9) trùng với Trung thu, đông đảo người dân Hà Nội đã đưa gia đình tới phố đi bộ Bờ Hồ để cùng vui chơi, đón Tết Trung thu, khiến khu vực này bị tắc nghẽn nghiêm trọng. Tại khu vực Hàm Cá Mập, gần ngã tư Hàng Đào biển người chôn chân, nhiều phương tiện tắc nghẽn hàng giờ đồng hồ, không thể di chuyển được.

Tại tuyến phố Hàng Bông hướng về khu vực hồ Hoàn Kiếm, nườm nượp phương tiện đổ về khiến giao thông ùn tắc, các phương tiện di chuyển chậm.

Khoảng 19h30, vì lượng người đổ về quá đông, phường Hàng Mã quyết định tạm “phong tỏa” phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm), không cho người dân vào đi bộ, tham quan mua sắm để tránh việc người dân tụ tập đông người.

Đoàn người san sát trên các tuyến phố khiến giao thông bị kẹt cứng

Nhu cầu muốn ra đường để giải toả cùng tâm lý chủ quan của đại đa số người dân gây nên hiện tượng đông người cùng ở các khu trung tâm có thể tạo ra nguy cơ lây nhiễm cao ngoài cộng đồng trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp.

Lực lượng Công an TP Hà Nội phải vất vả phân luồng đảm bảo giao thông, nhắc nhở người dân nhanh chóng di chuyển tránh ùn tắc. Các lực lượng chức năng đã lập nhiều rào chắn hạn chế tại các tuyến phố như Hàng Mã, Hàng Đường, Đồng Xuân… Tuy nhiên, do lượng người quá đông nên các rào chắn bị vô hiệu hóa.

Việc người dân Thủ đô đã ùn ùn đổ ra các tuyến phố chính trung tâm vui Tết Trung thu cho thấy người dân Hà Nội chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19, khi thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế nhiều hoạt động nơi công công theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các tuyến đường ven hồ Hoàn Kiếm rất đông người qua lại. Hầu hết mọi người để không tuân thủ quy định giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 15 đã quy định trong công điện mới nhất của UBND thành phố. 

Theo Chỉ thị số 22 về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP trong tình hình mới, Hà Nội không áp dụng quy định phân vùng; không kiểm soát giấy đi đường đối với các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp di chuyển trong địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế nhiều hoạt động nơi công cộng theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

“Mọi cá nhân và các tổ chức tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm 5K cũng như các biện pháp bảo vệ cá nhân và cộng đồng. Tuyệt đối không được chủ quan trong khi Thành phố dần nới lỏng các hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh” – Chỉ thị số 22 của TP Hà Nội nhấn mạnh.

Nói về vấn đề này, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho rằng người dân đã quá chủ quan trong phòng chống dịch bệnh khi vẫn đi chơi Trung thu rất đông, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Hà Nội hiện nay vẫn còn nguy cơ dịch Covid-19, chính quyền TP nới lỏng nhưng ý thức người dân lại không tuân thủ các quy định về phòng chống dịch. “Hiện dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát. Những ngày qua, số ca bệnh trong cộng đồng liên tục giảm, có ngày xuống 1 con số. Đây là tín hiệu mừng. Tuy nhiên, TP Hà Nội cũng phải hết sức thận trọng vì dịch bệnh một số tỉnh vẫn phức tạp. Hà Nội nới lỏng giãn cách là đúng đắn, tuy nhiên sau một thời gian dài giãn cách người dân có tâm lý “muốn ra đường” do vậy cần hết sức chú ý. Do tình hình dịch của TP vẫn phức tạp, chưa thể khẳng định hết các ca trong cộng đồng.

“Lúc này, chúng ta không nên chủ quan. Càng lúc này, người dân càng phải nâng cao ý thức, nâng cao cảnh giác. Người dân cứ chủ quan lơ là thì dịch bệnh lại bùng lên. Ví dụ như đêm qua trong số những người đi chơi Trung thu đó có những ca F0 trong cộng đồng thì rất nguy cơ rất cao. Nếu người dân không ý thức phòng dịch thì lúc đó mọi nỗ lực lại phải làm từ đầu, lại giãn cách, phong tỏa…” – PGS-TS Trần Đắc Phu nêu vấn đề.

“Thời điểm này càng cần cảnh giác cao độ vì các hoạt động phòng bệnh của người dân không được kiểm soát một cách nghiêm ngặt như trong thời điểm giãn cách”- PGS-TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh thêm.

Hình ảnh “biển người” ra đường chơi Trung thu ở Hà Nội là lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh, cũng như bài học trong việc tuyên truyền, vận động động, đồng thời cảnh báo, cũng như áp dụng các biện pháp để hạn chế người dân ra đường khi có những sự kiện lớn.

Trong hơn 1 tuần qua, số ca Covid-19 mắc mới hằng ngày của Hà Nội ghi nhận ở mức thấp, xấp xỉ 20 ca, có ngày chỉ 9 ca (20/9). Dù số ca cộng đồng không nhiều song vẫn xuất hiện rải rác các chùm ca bệnh hoặc ổ dịch mới.

Theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), dịch tại Hà Nội vẫn lai rai, không thể hết F0 dù đã xét nghiệm diện rộng. Vì thế, phải theo dõi sát, ngay khi phát hiện các F0 cộng đồng phải bao vây, khống chế gọn, không để lây lan ra cộng đồng.

Những nơi tụ tập đông người giả sử xuất hiện ca F0 có thể lây nhiễm chéo, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến thành quả phòng chống dịch suốt thời gian qua của thành phố.

Đến nay, Hà Nội đã tiêm vaccine cho trên 5 triệu người dân toàn TP, chiếm 60% dân số và bằng 80% người dân trong độ tuổi tiêm chủng trên 18 tuổi. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người được tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng bệnh nặng.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo những người đã tiêm chủng tiếp tục phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó việc tuân thủ nghiêm các quy định của thành phố và ngành y tế là hết sức quan trọng.

Hoàng Anh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: “Biển người” đi chơi Trung thu và nguy cơ bùng phát dịch Covid-19