Hà Nội: Cần bảo đảm xăng dầu cho xe buýt hoạt động

Hoàng An |13/11/2022 15:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề nghị Sở Công thương Hà Nội bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan này đang có 132 tuyến buýt trợ giá do 11 đơn vị vận tải khai thác với trên 2.000 xe, trong đó 1.751 xe đang sử dụng dầu Diezel. Trước tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố liên tục biến động trong thời gian gần đây, để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt được ổn định, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT đề nghị Sở Công Thương Hà Nội quan tâm, chỉ đạo các công ty đầu mối ưu tiên cung cấp đủ lượng xăng dầu cần thiết cho các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

xe-bus.jpg
Ảnh minh họa

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện Tổng công ty Vận tải Hà Nội có 1.097 xe chạy bằng dầu Diezel; Công ty cổ phần vận tải Newway có 46 xe; Công ty cổ phần Xe điện Hà Nội có 176 xe; Công ty cổ phần Vận tải và dịch vụ Liên Ninh có 114 xe; Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội có 77 xe; Công ty cổ phần Vận tải thương mại và du lịch Đông Anh có 24 xe; Công ty TNHH Du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến có 130 xe; Công ty liên doanh Vận chuyển quốc tế Hải Vân có 53 xe; Công ty cổ phần Ô tô vận tải Hà Tây có 12 xe và Công ty cổ phần ô tô khách Hà Tây có 22 xe.

Trước tình hình biến động của xăng dầu và nhu cầu của người dân, liên ngành Sở Giao thông Vận tải, Sở Công thương và Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội đã đề nghị UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận cho xe ô tô vận chuyển xăng dầu có tải trọng toàn bộ xe cho phép từ 10 tấn trở lên được phép hoạt động trong phạm vi hạn chế 24/24h trong tối đa 3 tháng.

Hết thời hạn 3 tháng, các đơn vị có nhu cầu vận chuyển tiếp đề xuất xin gia hạn. Trường hợp thời hạn hiệu lực còn lại của giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường ngắn hơn 3 tháng thì thời gian trong giấy chấp thuận cho phương tiện được phép hoạt động trong phạm vi hạn chế được cấp bằng thời gian còn lại của giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Liên ngành đề nghị Sở Công thương đôn đốc các đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu tuân thủ Luật Giao thông đường bộ và các luật khác có liên quan;

Các biển báo hạn chế tải trọng, hạn chế chiều cao; Quyết định phân luồng giao thông của Sở Giao thông Vận tải, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng kiểm soát giao thông trên đường bộ…

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có công văn hỏa tốc gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố hỗ trợ công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa. Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Sở, ngành, địa phương trên địa bàn tham mưu cho UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương trong công tác phân luồng, hướng dẫn giao thông tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển xăng dầu.

Các cơ quan chuyên môn tại địa phương cần tăng cường công tác phối hợp đảm bảo an toàn, phòng chống cháy nổ khi tham gia giao thông trong khung giờ cao điểm. Những yêu cầu này được đưa ra sau khi Bộ Công Thương có công văn đề nghị Bộ GTVT hỗ trợ công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên thị trường nội địa, trong đó kiến nghị xem xét phân luồng, tạo điều kiện cho các phương tiện chở xăng dầu tiếp cận, cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Cần bảo đảm xăng dầu cho xe buýt hoạt động