Hà Nội: Còn 18 điểm úng ngập cố hữu khi xảy ra mưa lớn

An Nhiên (T/h)|31/05/2017 01:49
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tình hình thời tiết, thủy văn năm 2017 diễn biến phức tạp, mưa theo vùng và trong thời gian ngắn, lượng mưa vượt trung bình hàng năm, trong đó, các tháng cao điểm có xu hướng tăng dần, từ 5-10%. Với các trận mưa từ 50mm/2 giờ đến 100mm/2 giờ, dự kiến trên địa bàn thành phố sẽ có khoảng 18 điểm úng ngập.

Hà Nội còn 18 điểm ngập úng cố hữu

Hiện nay, địa bàn Hà Nội được chia thành 3 vùng tiêu chính: vùng tiêu Tả Đáy, Hữu Đáy và Bắc Hà Nội. Trong đó, vùng Tả Đáy bao gồm các lưu vực sông Tô Lịch, Tả Nhuệ, Hữu Nhuệ, Đông Mỹ và Phú Xuyên với diện tích trên 437km2.

Hệ thống thoát nước khu vực trung tâm Thành phố đã được đầu tư tương đối hoàn thiện, các khu vực còn lại có hệ thống thoát nước tự chảy, kết hợp điều hòa bởi các ao, hồ tự nhiên. Vùng Hữu Đáy bao gồm các lưu vực Sơn Tây, Xuân Mai, Hòa Lạc, Quốc Oai, Phúc Thọ và Chúc Sơn chủ yếu tiêu thoát nước tự chảy kết hợp với hệ thống tiêu thủy lợi.

Vùng Bắc Hà Nội bao gồm các lưu vực Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn mới chỉ có lưu vực Long Biên và tiểu lưu vực Vân Trì – Vĩnh Thanh thuộc huyện Đông Anh được đầu tư hạ tầng thoát nước theo quy hoạch.

Nhận định về công tác thoát nước mùa mưa năm 2017, ông Võ Nguyên Phong cho biết, với các trận mưa có lượng nhỏ hơn 50mm/2 giờ, cơ bản trên địa bàn TP không có điểm úng ngập, chỉ có một số điểm ứ đọng do đường trũng.

Với các trận mưa từ 50mm/2 giờ đến 100mm/2 giờ, dự kiến sẽ có khoảng 18 điểm úng ngập, trong đó, có 13 điểm cố hữu, như: Ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa; Cao Bá Quát; Đội Cấn; ngã ba La Pho – Thụy Khuê; Minh Khai – chân cầu Vĩnh Tuy; đường Giải Phóng (đoạn trước Bến xe phía Nam); Nguyễn Chính; Thanh Đàm; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh; Hoa Bằng; Phạm Văn Đồng; 5 điểm úng ngập mới gồm: ngã ba Phan Đình Giót – Quang Trung (quận Hà Đông); đường Yên Nghĩa – bến xe Yên Nghĩa; Ngọc Lâm – Hoàng Như Tiếp; Cổ Linh (quận Long Biên). Cùng với đó, Sở Xây dựng đã thống kê có 170 điểm úng ngập nhỏ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, ngõ xóm…

Để đảm bảo thoát nước nhanh về nguồn tiêu với các trận mưa nhỏ hơn 100mm/2 giờ và nhỏ hơn 310mm/2 ngày, kịp thời tiêu thoát nước khu vực nội thành và giảm thiểu các điểm ngập cục bộ về mức độ và thời gian, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc tiếp nhận để đưa vào vận hành các công trình thoát nước trước 30/4/2017, như các dự án mương Thành Công, Tân Mai, Giáp Nhị, Vôi Ba Nhất, Nam Đồng, Đại Yên… Cùng với đó, Sở Xây dựng đã chỉ đạo, yêu cầu hoàn thành trước 30/3/2017 đối với công tác duy tu, bảo dưỡng, nạo vét hệ thống cống thoát nước.

Sở Xây dựng cũng đã có kế hoạch, tổ chức ứng trực 24/24 giờ để giải quyết tiêu thoát nước khi có mưa lớn; chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, gồm 72 xe hút, xe stec, phản lực; 20 máy bơm chìm từ 100-150m3/giờ; 11 máy phát điện 5-30KVA; 1 tổ xe bơm di động 1.000m3/giờ và 2 tổ xe bơm di động 1.800m3/giờ; 8 tổ máy bơm di động 200-300m3/giờ và hơn 100 xe ô tô chuyên dùng.

Đặc biệt, trong mùa mưa năm nay, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiếp tục phát huy hiệu quả “Trung tâm giám sát hệ thống thoát nước Hà Nội”. Hiện, Công ty đã triển khai nâng cấp, lắm đặt mới thiết bị đo mực nước, đo lượng mưa tại các vị trí mới (quận Hà Đông, Long Biên và một số thị trấn…), thí điểm triển khai giám sát bằng camera theo dõi các điểm úng ngập trong khu vực trung tâm Thành phố để đưa thông tin lên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, nhằm hạn chế ảnh hưởng do mưa bão, úng ngập gây ra.

An Nhiên (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Còn 18 điểm úng ngập cố hữu khi xảy ra mưa lớn