Hà Nội: Đặt mục tiêu giảm tối thiểu 10 điểm ùn tắc giao thông mỗi năm

Minh Châu|18/11/2020 12:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hà Nội hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 8 – 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm TNGT từ 5 – 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí.

Nút “thắt cổ chai” tồn tại suốt 23 năm tại khu vực nút giao đường Hoàng Quốc Việt – Nguyễn Văn Huyên đã được xóa bỏ sau khi đưa vào sử dụng cầu vượt vào cuối tháng 8-2020. Đây chính là một trong những minh chứng điển hình của kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội

Thực tế cho thấy, nhiều dự án giao thông cấp bách trên địa bàn thành phố được triển khai thời gian qua theo cơ chế đặc thù nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông đã phát huy hiệu quả, như các dự án mở rộng và xây dựng: Cầu Trung Tự và nút giao Phạm Ngọc Thạch; cầu vượt Ô Đống Mác – đê Nguyễn Khoái; cầu vượt nút giao An Dương Vương – đường Thanh Niên; cầu vượt nút giao Cổ Linh…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định, tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường là một trong những tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới.

Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc, đảm bảo ATGT trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2021 – 2025 là hết sức cần thiết.

Mục tiêu tổng quát của chương trình là “Huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ đảm bảo giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội thuận lợi, an toàn, chất lượng, hiệu quả, trật tự, kỷ cương, văn minh, hiện đại”. Hướng đến mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 8 – 10 điểm ùn tắc giao thông; giảm TNGT từ 5 – 10% hàng năm trên cả ba tiêu chí; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 30 – 35%; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 12 – 15% quỹ đất xây dựng đô thị…

Cùng với đó tiếp tục duy trì, thực hiện quyết liệt 6 nhóm giải pháp gồm: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông – đây là nhóm giải pháp căn cơ có tính bền vững và lâu dài; Tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hợp lý;

Phát triển đồng bộ các loại hình vận tải hành khách công cộng, tập trung triển khai và sớm đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị; Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Hy vọng, với việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các giải pháp căn cơ, đồng bộ, từ cơ chế, chính sách, quy hoạch đến đầu tư hoàn thiện hạ tầng, quyết liệt giảm phương tiện cá nhân… vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô sẽ sớm được hóa giải.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đặt mục tiêu giảm tối thiểu 10 điểm ùn tắc giao thông mỗi năm