Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2017

Theo HNP|04/12/2017 22:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XV, thay mặt UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Văn Sửu đã trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tại kỳ họp

Năm 2017, KT – XH của Thủ đô đạt được kết quả khá toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá 8,5% – hoàn thành kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 207,628 nghìn tỷ đồng, bằng 101,4% dự toán, tăng 15,7% so thực hiện năm 2016, trong đó, thu nội địa 187,64 nghìn tỷ đồng, bằng 101% dự toán, tăng 16,1%. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 75,205 nghìn tỷ đồng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 7%; thị trường ổn định, chỉ số giá tiêu dùng bình quân ước tăng 3,05-3,11%; tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán ra và doanh thu dịch vụ ước tăng 10,3%; tín dụng ngân hàng phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa và vốn cho sản xuất; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 11,54 tỷ USD, tăng 8%. Khách du lịch ước đạt 23,83 triệu lượt người, tăng 9%; trong đó, khách quốc tế 4,95 triệu lượt, tăng 23%. Mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, giá một số nông sản có thời điểm giảm mạnh nhưng nông nghiệp tiếp tục phát triển, giá trị gia tăng ước tăng 2%.

Thành phố quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án xây dựng nông thôn mới (NTM). Đã có thêm 02 huyện Thanh Trì, Hoài Đức đạt chuẩn NTM nâng tổng số lên 04 huyện NTM; có thêm 30 xã đạt chuẩn (KH là 22 xã), nâng tổng số lên 285 xã NTM (tỷ lệ 73,8%).

Đáng chú ý, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét; thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Chỉ số PCI tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành, cao nhất từ trước tới nay; tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt xấp xỉ 100%; doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt 98%; thủ tục hải quan điện tử đạt 100%.

Thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 160 dự án vốn ngoài ngân sách trị giá 110 nghìn tỷ đồng; vốn đăng ký FDI cả cấp mới và tăng vốn ước đạt 3,356 tỷ USD; tiếp nhận 128 dự án đầu tư theo hình thức PPP (08 dự án đã hoàn thành với vốn đầu tư 13.683 tỷ đồng; 12 dự án đang thực hiện với vốn đầu tư 28.505 tỷ đồng); cấp đăng ký doanh nghiệp cho 25.160 doanh nghiệp, tăng 11%, vốn đăng ký 240 nghìn tỷ đồng (tăng 4%), lũy kế số doanh nghiệp trên địa bàn là 231,92 nghìn doanh nghiệp.

Thành phố đang xem xét phê duyệt Kế hoạch khuyến khích hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, cá nhân thành lập doanh nghiệp để phấn đấu đến hết năm 2020 toàn Thành phố có 400 nghìn doanh nghiệp. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 308,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.

Công tác quản lý quy hoạch, trật tự và xây dựng đô thị; khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Đã thẩm định, đang bổ sung, hoàn thiện 06 đồ án quy hoạch; triển khai lập 20 đồ án quy hoạch phân khu, 04 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.Trật tự và văn minh đô thị được quan tâm toàn diện. Tích cực kiểm tra các công trình xây dựng; quyết liệt xử lý vi phạm các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo” tồn từ trước 2016.

Tiếp tục thực hiện Chương trình “Một triệu cây xanh”, lũy kế đã trồng được 462 nghìn cây, đạt 46,2% mục tiêu. Thí điểm dịch vụ Iparking trên 02 tuyến phố, đồng thời khảo sát toàn bộ các điểm đỗ xe, tuyến đường để xem xét nhân rộng. Quản lý đất đai, GPMB tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt; đã cấp GCN quyền sử dụng đất, nhà ở đạt 98,4% và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 100%. Bàn giao 1.000 ha đất của 300 dự án GPMB, chi trả 10.000 tỷ đồng và tổ chức tái định cư cho 1.200 hộ gia đình, cá nhân.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển toàn diện. Về giáo dục, có thêm 100 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ đạt 62,5%). Thực hiện tuyển sinh trực tuyến mầm non, lớp 1, lớp 6; ứng dụng sổ điểm điện tử cho trường học; hợp tác quốc tế trong giáo dục – đào tạo được đẩy mạnh. Về y tế, đã đưa khoảng 30 kỹ thuật, công nghệ mới vào chẩn đoán và điều trị. Đã thiết lập hơn 859 nghìn hồ sơ điện tử phục vụ khám và theo dõi sức khỏe toàn dân. Tổ chức khám sàng lọc phát hiện ung thư sớm đại trực tràng miễn phí cho người dân từ 40 tuổi trở lên.

“Năm kỷ cương hành chính 2017” cũng đã có chuyển biến rõ nét. Chỉ số Cải cách hành chính của Hà Nội xếp thứ 3 cả nước, tăng 6 bậc. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo được quan tâm giải quyết đúng thẩm quyền. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước được triển khai đồng bộ. Đưa vào vận hành 456 dịch vụ công trực tuyến, ước đạt 55%. Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin đứng thứ 2/63 tỉnh, thành.

Ngoài ra, quốc phòng được củng cố, an ninh chính trị, trật tự xã hội được đảm bảo, đối ngoại được mở rộng. Tham gia các sự kiện đối ngoại về chính trị, kinh tế, văn hóa trong và ngoài nước như: Các sự kiện APEC; Hội nghị Thượng đỉnh các TP Thế giới; Diễn đàn Thị trưởng các TP trên Thế giới (WCS)… Hà Nội đã hỗ trợ Campuchia đầu tư xây dựng Đại lộ hữu nghị Hà Nội – Phnôm Pênh, hỗ trợ Lào đầu tư xây dựng trường Chính trị – Hành chính Viêng chăn. Tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cán bộ chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.

Bên cạnh kết quả nêu trên, ngoài việc khắc phục 23 tồn tại sau kiểm điểm theo nghị quyết Trung ương 4, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là việc triển khai thực hiện nhiệm vụ do Trung ương đề ra trên một số lĩnh vực còn chậm. Kinh tế có bước phát triển toàn diện, tuy nhiên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự ổn định, bền vững. Quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị, quản lý đất đai, trật tự, an toàn giao thông còn một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Phát triển văn hóa – xã hội chưa thực sự xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh có chuyển biến nhưng chưa chuyển thành ý thức tự giác và hành động thường xuyên của người dân; công nhận các tiêu chí về văn hóa còn chưa đi vào thực chất.

Trên địa bàn còn để xảy ra dịch bệnh như sốt xuất huyết kéo dài. Công tác cải cách hành chính bước đầu có chuyển biến, song việc quản lý, điều hành của bộ máy hành chính ở một số cấp, ngành, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả thấp; tính chủ động trong tham mưu, đề xuất của một số cơ quan, đơn vị tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức làm việc chưa hết trách nhiệm; lãnh đạo, cán bộ ở cấp cơ sở có lúc, có nơi còn gây phiền hà cho người dân và đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc trong ứng xử của cán bộ, công chức với người dân gây bức xúc trong dư luận….

Để khắc phục những tồn tại nêu trên và xác định Chủ đề của năm 2018 là: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị”, TP Hà Nội đặt ra mục tiêu tổng quát là: Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, xây dựng NTM và bảo vệ môi trường. Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các nhiệm vụ trọng tâm sẽ được TP tập trung trong năm 2018 đó là: Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực thi hành pháp luật, hiệu quả thực thi các chính sách và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành và các cấp. Tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài, tập trung triển khai các dự án đầu tư XDCB ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm. Rà soát và có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng thiếu trường học công lập tại các khu vực đô thị hóa cao, đôn đốc tiến độ các dự án XHH xây dựng trường học và tiếp tục quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường, môi sinh: an toàn thực phẩm; cung cấp nước sạch; đảm bảo xử lý chất thải rắn; tiếp tục Chương trình trồng 1 triệu cây xanh; hạ ngầm cáp điện, thông tin trên các tuyến phố… Xây dựng và từng bước hình thành các điều kiện để phát triển thành phố thông minh. Bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo.

Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và duy trì có hiệu quả các hoạt động của Ban chỉ đạo 197. Rà soát kết quả thực hiện các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra để tiếp tục có giải pháp trong chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, gắn với đánh giá 10 năm hợp nhất mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Theo HNP

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2017