(Moitruong.net.vn) – Tại kỳ họp HĐND sắp tới, thành phố Hà Nội dự kiến sẽ xem xét ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch. Đây là tin vui đối với doanh nghiệp và người dân.
Ảnh minh họa
Nhu cầu sử dụng nước sạch không ngừng tăng, trong khi, sản lượng cung cấp của các nhà máy nước trên địa bàn có hạn do việc khai thác nước ngầm ngày càng khó khăn; việc xây dựng nhà máy xử lý nước mặt cần nhiều nguồn lực và thời gian, công tác xã hội hóa đầu tư các trạm xử lý nước sạch nông thôn chưa hiệu quả. Vì vậy, cần có biện pháp nhằm thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào công trình cấp nước sạch, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, mùa hè năm nay, tình hình cung cấp nước sạch sẽ rất khó khăn. Mặc dù năm 2016, Công ty Nước sạch Hà Nội đã đưa vào vận hành dây chuyền xử lý nước mặt Nhà máy nước Bắc Thăng Long với công suất 30 nghìn m3/ngày đêm, nhưng tổng lượng nước sản xuất và cung cấp hiện nay chỉ đạt hơn 900 nghìn m3/ngày đêm (do nguồn nước ngầm suy giảm và nguồn nước mặt sông Đà giai đoạn 1 hạ áp, giảm lượng cung cấp). Trong khi đó, dự kiến vào những ngày nắng nóng cao điểm mùa hè, nhu cầu sử dụng nước tăng thêm từ 10 đến 12%, tương ứng với sản lượng nước từ 1,040 triệu đến 1,060 triệu m3/ngày đêm. So với nhu cầu, lượng nước cung cấp thiếu từ 70 nghìn đến 100 nghìn m3/ngày đêm. Một số khu vực sẽ khan hiếm nước, như: khu vực đường Bưởi (quận Ba Đình); Thụy Khuê (quận Tây Hồ); Hàng Buồm, Trần Nhật Duật, Hàng Tre, Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm); Đê La Thành, đường Láng, ngõ Thái Thịnh 2 (quận Đống Đa)…
Đáng chú ý, tuyến cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà với lượng nước 216.370 m3/ngày đêm (chiếm hơn 23% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội) vẫn tiềm ẩn nguy cơ vỡ đường ống, gây ảnh hưởng sinh hoạt của người dân khu vực phía tây nam thành phố gồm: toàn địa bàn quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, một phần địa bàn các quận Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình. Để giảm nguy cơ xảy ra sự cố, hiện nay tuyến ống này được vận hành với áp lực thấp hơn so với trước đây, cho nên càng hạn chế khả năng cung cấp nước cho khu vực trung tâm thành phố.
Trước tình hình nêu trên, để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân, ngoài việc duy trì tốt sản xuất, vận hành cao nhất công suất các nhà máy, trạm cấp nước hiện có, hạn chế thất thoát, vận động người dân sử dụng tiết kiệm, thành phố còn phải tập trung huy động mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng bổ sung nguồn nước cho hệ thống. Cụ thể như đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long – Vân Trì lên 150 nghìn m3/ ngày đêm; xây dựng Trạm cấp nước Dương Nội (Hà Đông), công suất 30 nghìn m3/ ngày đêm; vận hành trạm cấp nước Văn Điển, hệ thống cấp nước khu vực Nam Sơn, Bắc Sơn; bảo đảm tiến độ dự án đầu tư xây dựng hệ thống Nhà máy nước mặt sông Hồng (giai đoạn 1 là 150 nghìn m3/ngày đêm); đẩy mạnh giai đoạn 2 dự án cấp nước sông Đà…
Những cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực này cần sớm được quyết định, ban hành và phù hợp yêu cầu thực tiễn để các dự án xây dựng công trình cấp nước sạch thu hút được nhiều nguồn lực trong xã hội, bảo đảm tiến độ triển khai, tạo nguồn cung dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu nước sinh hoạt ngày càng tăng.
Theo Nhân Dân