Hà Nội: Đừng hủy diệt những “lá phổi xanh” – Bài 1: Những con số đáng báo động

26/10/2017 04:56
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn khởi đăng loạt bài điều tra về sự biến mất của một số Hồ trên địa bàn Tp. Hà Nội

(Moitruong.net.vn) – Ao, hồ trong lòng đô thị được ví như những lá phổi xanh. Thế nhưng, tại Hà Nội,20 năm qua đã có hơn 1000ha diện tích mặt nước ao, hồ bị biến mất! Tệ hơn nữa, khảo sát mới nhất của CECR cho biết chỉ từ 2010 – 2015, 17 ao hồ ở Hà Nội đã bị san lấp hoàn toàn. Những con số này không khỏi khiến rất nhiều người giật mình lo sợ…

Anh 1Đã từng có đề xuất lấp một phần hồ Thành Công để xây chung cư khiến dư luận cả nước xôn xao phản đối

Gắn liền suốt chiều dài lịch sử Thăng Long – Hà Nội, các ao, hồ luôn giữ những vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống nhân dân. Được ví như những “lá phổi xanh”, diện tích mặt nước ao, hồ không chỉ có vai trò điều hòa không khí, chống ngập úng, tạo cảnh quan đô thị mà còn là điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước.

Thế nhưng, một thống kê gần đây không khỏi khiến cho nhiều người lo ngại. Theo đó, chỉ trong 5 năm (từ 2010-2015), diện tích ao, hồ tại Hà Nội giảm 72.540m2.

 Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR – thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đưa ra báo cáo cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, Hà Nội có tới 17 hồ bị san lấp hoàn toàn, trong khi chỉ bổ sung 7 hồ mới. Tính đến năm 2015, các quận nội thành đã có 10 hồ bị biến mất, chỉ còn 112 hồ với diện tích mặt nước khoảng 72.540m2 so với năm 2010. Điều đáng nói, đây mới chỉ là nghiên cứu trong 6 quận lõi nội thành Hà Nội.

Cụ thể, được đánh giá là quận có nhiều ao, hồ nhất Thành phố (trên 30 hồ), trong đó có nhiều hồ lớn như hồ Đống Đa, hồ Nam Đồng, Ba Mẫu… nhưng từ 2010 đến 2015, quận Đống Đa có 4 hồ đã bị san lấp. Ngoài ra, diện tích các hồ khác cũng mất đi gần 15.000m2. Nguyên nhân chủ yếu là do bị san lấp và bị lấn chiếm.

Chiếm tới 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội, Tây Hồ là quận có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố. Từ năm 2010 đến nay, con số sụt giảm là hơn 28.000m2, rất đáng lo ngại! Riêng Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010), chỉ còn 460ha.

ANH 2 (1)So sánh bản đồ quận Đống Đa những năm 1960 và bản đồ vệ tinh chụp sau gần 50 năm mới thấy tốc độ lấp hồ ao để xây dựng nhà cửa đường sá khẩn trương tới mức nào. Nhất là từ sau thập kỷ 1990, tốc độ san lấp nhanh đến chóng mặt (Nguồn ảnh: HanoiData)

Thuộc về quần thể Hồ Tây, hồ Đầm Trị (còn gọi là ao Thủy Sứ ở phường Quảng An, quận Tây Hồ) bị đổ phế thải, lấn chiếm cả mặt nước và lòng hồ từ nhiều năm nay. Nhiều công trình kiên cố xây dựng trái phép có diện tích cả trăm mét vuông đã thu hẹp diện tích hồ Đầm Trị. Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND quận Tây Hồ kiên quyết xử lý sai phạm.

Đối phó với tình trạng bị xâm lấn từng ngày, bờ kè quanh hồ Quảng Bá đã phải nhanh chóng thi công vào năm 2012. Thế nhưng, cũng theo thống kê của CECR, năm 2010, diện tích mặt nước của hồ Quảng Bá đo được là hơn 62.000m2. Chỉ sau 5 năm, diện tích hồ chỉ còn lại hơn 30.000m2, mất đi 1/2 diện tích. Đây thực sự là một con số đáng hãi hùng!

Quận Cầu Giấy cũng trong tình trạng tương tự, nhiều mặt hồ diện tích bị thu hẹp, thậm chí có những ao, hồ đã biến mất. Có thể kể đến như ao Yên Hòa, ao Ải Bái Ân, ao Trại Cá… Một số quận không thay đổi hiện trạng ao, hồ thì diện tích mặt nước cũng bị thu hẹp đáng kể.

Theo thống kê, năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha diện tích mặt nước. Đến nay, con số này chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị lấp tại những khu vực mới phát triển như quận Cầu Giấy, huyện Từ Liêm (được tách thành 2 quận mới), quận Hà Đông…

Trong một góc nhìn khác, có thể khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về diện tích mặt ao, hồ do là sự yếu kém, buông lỏng quản lý của chính quyền cơ sở dẫn đến việc san lấp, lấn chiếm trái phép. Đã có rất nhiều “lá phổi xanh” ở các quận, huyện bị người dân lấn chiếm theo cách đêm đêm âm thầm đổ đất cát, rác thải lấn hồ… Và không lâu sau đó, trên diện tích này mọc lên các công trình lớn bé, đủ hình dạng từ tạm bợ đến kiên cố.

PGS-TS Trương Mạnh Tiến – Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, kiêm Chủ tịch CLB Hồ Hà Nội – nhận định: “Các ao, hồ làm chức năng điều hòa lượng nước mỗi khi mưa lớn. Nay nhiều ao hồ bị lấp, nên gần đây, tình trạng ngập lụt mỗi khi mưa lớn đã liên tiếp xảy ra”.

Anh 2Trước những năm 2000, thôn Nhân Mỹ (nay là Tổ dân phố Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có rất nhiều ao lớn nhỏ. Đến nay chỉ còn duy nhất chiếc giếng làng này tồn tại

Trận ngập kinh hoàng hồi năm 2008 đã minh chứng rõ ràng sự ngập úng luôn đe dọa Hà Nội do hệ thống tiêu thoát nước không đáp ứng nổi.

Ao, hồ ở Hà Nội nói chung và ở đô thị nói riêng ngoài mang chức năng “lá phổi” điều hòa, còn là không gian xả lũ, chứa lượng nước lớn khi thời tiết mưa lớn cực đoan. Đặc biệt với mật độ dân cư lớn, mật độ dân số/km cao, thì càng cần nhiều hồ để điều tiết tình trạng úng ngập cục bộ. Do đó, càng nhiều hồ chứa, càng đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa, việc đảm bảo diện tích ao hồ của Thủ đô không bị sụt giảm rất quan trọng. Đây không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà còn là trách nhiệm của chính những cộng đồng dân cư sinh sống quanh các ao, hồ. Họ cần phải thấy được rõ quyền lợi và cả lợi ích của mình từ việc bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Trần Linh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: Đừng hủy diệt những “lá phổi xanh” – Bài 1: Những con số đáng báo động