Thêm chủng D3 gây bệnh sốt xuất huyết ở Hà Nội
So với các năm trước, đặc điểm và độc lực của virus gây bệnh sốt xuất huyết hiện không có gì bất thường. Với 4 chủng virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết ở nước ta hiện nay (được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4) thì một người có thể mắc đến 4 lần trong đời và lần mắc thứ 2 thường nặng hơn lần đầu. Trong 4 chủng trên thì D1, D2 là 2 chủng phổ biến trong đó chủng virus D2 thường nặng hơn so với các chủng khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17/11), trên địa bàn Thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó). Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần như Thanh Oai (209 ca), Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca)…
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Thành phố đã có 33.489 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong.
Cũng theo CDC Hà Nội, ngoài 2 chủng virus Dengue lưu hành chủ yếu ở Hà Nội là D1 và D2, thì kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm chủng D3 gây bệnh sốt xuất huyết.
Theo TS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chủng D3 không gây bệnh nặng hơn so với chủng D1, D2. Trước đây, chủng D3 ghi nhận các ca bệnh phổ biến ở khu vực miền Trung. Hiện nay, chủng này vẫn ghi nhận lưu hành nhưng thấp hơn D1, D2.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, năm nay dịch sốt xuất huyết xuất hiện khá sớm. Ngay từ đầu hè tháng 5, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận nhiều ca bệnh, số lượng ngày càng tăng. Trong đó, có những bệnh nhân nặng được chuyển đến từ các cơ sở y tế khác, cần được xử lý chuyên sâu, hồi sức, do có dấu hiệu cảnh báo, như chảy máu, sốc, suy đa tạng...
Tuy nhiên, đặc điểm và độc lực của virus gây bệnh sốt xuất huyết hiện nay không có gì bất thường hay khác so với các năm trước. Vì vậy, theo PGS Đỗ Duy Cường, nguyên nhân số ca bệnh gia tăng là do công tác phòng, chống dịch chưa quyết liệt; do thời tiết thay đổi thất thường, trời nóng, ẩm, mưa nhiều sẽ tạo môi trường thuận lợi để muỗi gây bệnh phát triển.
Theo điều tra dịch tễ học, bệnh sốt xuất huyết thường xảy ra vào tháng 8, 9, 10, tức là mùa Thu, nhưng những năm gần đây, bệnh xuất hiện từ đầu mùa Hè và kèo dài đến nay.
TS Nguyễn Trung Cấp cũng chia sẻ, bệnh sốt xuất huyết sẽ tồn tại nếu có đủ điều kiện môi trường cho muỗi Aedes aegypty phát triển, đó là nước đọng (tăng vào mùa mưa) và nền nhiệt đủ ấm (lý tưởng ở 22-24 độ C).
"Thời tiết thay đổi, phù hợp điều kiện cho muỗi Aedes phát triển thì sẽ tồn tại bệnh sốt xuất huyết", TS Cấp nhấn mạnh.
Tổ chức WHO cũng nhận định, trong năm 2023 và 2024, hiện tượng biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino có thể thúc đẩy muỗi sinh sản, làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền.
Dự báo thời gian tới, khi thời tiết nóng ẩm, nắng mưa đan xen, số ca mắc tiếp tục có thể diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy tại các địa phương.
Tiểu cầu không phải yếu tố quyết định bệnh nặng hay nhẹ
PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết, có nhiều bệnh nhân có dấu hiệu sốt cao trong 2-3 ngày đầu tiên mắc bệnh nhưng đây không phải là dấu hiệu đáng lo. Đến ngày thứ 4-5, khi tiểu cầu hạ nhiều, mới có tình trạng xuất huyết.
Tuy nhiên, nhiều người không sốt nhưng chảy máu nội tạng, thoát huyết tương, cô đặc máu, thoát dịch… rất khó phát hiện.
Ngày thứ 5 của bệnh, bệnh nhân có thể hết sốt, chuyển sang giai đoạn nguy hiểm như thoát huyết tương, cô đặc máu, tụt huyết áp. Nhiều người lầm tưởng hết sốt là đã khỏi bệnh nên chủ quan.
Sốt xuất huyết khi có dấu hiệu cảnh báo có thể diễn biến rất nhanh. Có hai biến chứng nặng thường gặp của sốt xuất huyết, đó là tình trạng cô đặc máu dẫn đến tụt huyết áp, sốc và biến chứng hạ tiểu cầu máu. Trong đó, biến chứng cô đặc máu thường gặp hơn và có diễn biến nhanh chóng, nguy hiểm hơn rất nhiều so với biến chứng hạ tiểu cầu.
Thậm chí, có những bệnh nhân từ khi có dấu hiệu cảnh báo đến khi sốc chỉ diễn biến trong 4 đến 6 tiếng. Nếu sốc sốt xuất huyết không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy kịch, thậm chí tử vong.
Không phải tất cả các ca bệnh sốt xuất huyết đều có thể chuyển nặng. Nhưng chỉ cần 10% trong số các ca bệnh có biểu hiện nặng nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời thì có thể dẫn tới tử vong.
Nếu bệnh nhân nặng có dấu hiệu cảnh báo, các cơ sở y tế cần tăng cường khám sàng lọc, phát hiện sớm các dấu hiệu, phân loại tình trạng bệnh (bệnh nhẹ có thể được điều trị tại nhà, bệnh nặng cần được đưa các bác sĩ chuyên khoa).
Các chuyên gia cũng chia sẻ, không phải cứ mắc sốt xuất huyết là cần truyền máu hoặc truyền tiểu cầu. Tiểu cầu là một trong những chỉ số để tiên lượng nhưng không phải yếu tố quyết định tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Nhiều người bệnh có chỉ số tiểu cầu dưới 20 nhưng không xuất huyết thì cũng không cần truyền tiểu cầu.
Theo hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế, người bệnh có chỉ số tiểu cầu dưới 10 kèm theo xuất huyết thì mới cần truyền tiểu cầu hoặc chỉ số tiểu cầu dưới 5, tình trạng nặng, nếu có chỉ định thì cần truyền tiểu cầu.
Hiện nay, nước ta chưa có vaccine phòng chống sốt xuất huyết, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng muỗi đốt.