Hà Nội: Hơn 90% chất thải phát sinh trong nuôi thủy sản được xử lý năm 2020

Minh Anh|09/03/2021 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Năm 2020, diện tích nuôi thủy sản của Hà Nội là 34.329ha với lượng chất thải phát sinh vỏ bao bì thuốc thú y 360 cái; lượng nước thải phát sinh 105.000m3.

Sở NN&PTNT cho biết, diện tích nuôi thủy sản của Hà Nội năm 2020 là hơn 34.329ha, trong đó: Cá hơn 34.319ha, tôm càng xanh 10,5ha. Phương thức nuôi chủ yếu là bán thâm canh và thâm canh. Theo ước tính, khối lượng chất thải phát sinh trong nuôi cá nước ngọt là 75.502 tấn bùn thải; 13.731.900 vỏ bao bì thức ăn; 1.209.384 vỏ bao bì thuốc thú y; lượng nước thải khoảng 335.940.000m3. Đối với tôm nước ngọt, lượng bùn thải 11 tấn, lượng chất thải phát sinh vỏ bao bì thức ăn 1.200 cái; lượng chất thải phát sinh vỏ bao bì thuốc thú y 360 cái; lượng nước thải phát sinh 105.000m3.

Ảnh minh họa

Theo Sở NN&PTNT, nguồn thải từ nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố rất đa dạng. Một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thức ăn tôm, cá không được hấp thụ vào cơ thể để tạo sinh khối mà thải ra ngoài môi trường xung quanh dưới dạng thức ăn dư thừa tích tụ bị thối rữa, phân và chất thải là nguồn gây ô nhiễm chính cho môi trường. Bùn thải sau vụ nuôi cũng chứa nhiều thành phần gây ô nhiễm và dư lượng hóa chất và kháng sinh. Do ngập trong nước ở điều kiện với thời gian dài nên bùn thải còn chứa nhiều khí độc như: H2S, NH3…

Bên cạnh đó, nước thải từ quá trình chế biến thủy sản chứa nồng độ ô nhiễm cao gấp nhiều lần so với nuôi trồng bởi nguồn nước thải tập trung từ nhiều giai đoạn như: Rửa nguyên liệu, sơ chế nguyên liệu, chế biến sản phẩm, nước vệ sinh nhà xưởng, chất thải con người, nước rửa máy móc thiết bị. Điều đó khiến nồng độ ô nhiễm trong nước thải chế biến thủy sản rất cao.

Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong nuôi thủy sản, các địa phương và người nuôi thủy sản trên địa bàn thành phố đã sử dụng nhiều biện pháp và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, bùn nuôi cá nước ngọt, tỷ lệ xử lý đạt 90% bằng chế phẩm sinh học, vôi bột, hóa chất khử trùng; vỏ bao bì thức ăn, tỷ lệ xử lý đạt 100% bằng phương pháp thu gom tái chế; vỏ bao bì thuốc thú y thủy sản, tỷ lệ xử lý đạt 100% bằng thu gom tái chế. Đối với tôm nước ngọt, tỷ lệ bùn thải xử lý đạt 90% bằng sử dụng chế phẩm sinh học, vôi bột, hóa chất khử trùng; vỏ bao bì thức ăn, tỷ lệ xử lý đạt 100% bằng thu gom tái chế; vỏ bao bì thuốc thú thủy sản, tỷ lệ xử lý đạt 100% bằng thu gom tái chế.

Minh Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Hơn 90% chất thải phát sinh trong nuôi thủy sản được xử lý năm 2020