(Moitruong.net.vn) – Trước những tồn tại trong việc xây dựng và vận hành một số trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung tại các cụm công nghiệp, khu đô thị mới. Hầu hết nước thải sinh hoạt đều được đổ thẳng ra hệ thống thoát nước của khu vực như hồ, sông… gây ô nhiễm nguồn nước mặt, thành phố Hà Nội đang khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành các trạm XLNT tại các cụm công nghiệp.
Thành phố Hà Nội đang khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành các trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng của thành phố đã tiến hành rà soát tình hình đầu tư xây dựng các trạm XLNT tập trung của 43 cụm công nghiệp đã hoạt động. Trong đó đến hết năm 2016 có 19 cụm chưa có dự án đầu tư xây dựng hệ thống XLNT, 19 cụm đã được đầu tư xây dựng, 3 cụm đang trong quá trình đầu tư xây dựng và 2 cụm đã cơ bản hoàn thành.
Đến hết tháng 6/2017, có 22/43 cụm công nghiệp đã hoàn thành ĐTXD trạm xử lý nước thải (chiếm 51,1%); bao gồm: Cụm CN Từ Liêm – Nam Từ Liêm; Cụm CN Ngọc Hồi, Tân Triều – Thanh Trì; Hà Bình Phương, TTCN Duyên Thái, Duyên Thái, Vạn Điểm, Quất Động, Liên Phương – Thường Tín; Ninh Hiệp, Hapro, Bát Tràng, Phú Thị – Gia Lâm; Liên Phương, Nguyên Khê – Đông Anh; Phùng Xá, Bình Phú, – Thạch Thất; Thanh Oai – Thanh Oai; Ngọc Liệp – Quốc Oai; Ngọc Hòa – Chương Mỹ, thị trấn Phúc Thọ – Phúc Thọ,…
Đồng thời, xây dựng kế hoạch khảo sát, thu thập thông tin tình hình XLNT tại 43 cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội để đưa ra giải pháp thu gom XLNT tại các cụm công nghiệp được chính xác và có cơ sở xây dựng cơ chế quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải sau đầu tư. Qua kiểm tra, rà soát có 34/43 cụm công nghiệp có quỹ đất và quy hoạch trạm xử lý nước thải, chiếm tỉ lệ khoảng 70%; 9/43 cụm công nghiệp không có quy hoạch và quỹ đất xây dựng trạm xử lý nước thải, chiếm tỷ lệ khoảng 30%.
Trong 21 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung, có 12 trạm xử lý nước thải hoạt động dưới công suất thiết kế; 2 trạm xử lý nước thải không vận hành, bỏ hoang, máy móc thiết bị xuống cấp: cụm Tân Triều và cụm Tiểu thủ công nghiệp Duyên Thái; 9 cụm có giấy phép xả thải, 1 cụm giấy phép hết hạn vào 15/01/2017; 6 cụm có số lượng doanh nghiệp sản xuất đầu nối đạt 100%; 12 cụm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách do UBND các huyện là Chủ đầu tư, 9 cụm bằng vốn doanh nghiệp.
Từ nay đến cuối năm, thành phố tiếp tục khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong quản lý, vận hành các trạm XLNT tại các cụm công nghiệp. Hoàn thành việc khảo sát, lập phương án hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp. Trong đó, cải tạo, nâng cấp phát huy hiệu quả của các trạm XLNT đã có nhưng xuống cấp, không hoạt động; đối với một số cụm chưa có quỹ đất để xây dựng trạm XLNT hoặc lưu lượng nước thải nhỏ, xây dựng phương án liên kết, thu gom các cụm để xử lý. Hoàn thành đề xuất và phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thi công quý IV/2017.
Bên cạnh đó, khẩn trương chỉ đạo chủ đầu tư tập trung đầu tư xây dựng trạm XLNT 2 cụm công nghiệp Phú Thịnh, Thị xã Sơn Tây và Cụm công nghiệp Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt 55,8%.
Minh Mai