Hà Nội nỗ lực giảm nồng độ bụi mịn trong không khí

Minh Hà (T/h)|15/04/2019 08:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ô nhiễm không khí thường được đánh giá bởi ô nhiễm hạt gồm bụi lơ lửng, bụi PM 2.5, bụi PM10 và cả các chất khí SO2, NO2, CO, O3, CO, VOCs (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi)… Trong đó, bụi PM 2.5 là tác nhân gây ô nhiễm, có ảnh hưởng lớn nhất đối với sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi.

– Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác của châu Á đang phải gánh chịu nhiều hậu quả của nồng độ bụi mịn, đặc biệt tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Thực tế đó đòi hỏi thủ đô cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm nồng độ bụi PM 2.5, cải thiện chất lượng không khí.

>>>Hà Nội nỗ lực cải thiện chất lượng không khí

>>>Hà Nội: Nhiều sương mù khiến chất lượng không khí giảm rõ rệt

Theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng không khí xung quanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường, bụi PM 2.5 là tổng các hạt bụi lơ lửng có đường kính động học nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micro, chưa đến 1/30 – 1/20 đường kính của sợi tóc.

Bụi PM 2.5 là tác nhân gây ô nhiễm, có ảnh hưởng lớn nhất đối với sức khỏe do có khả năng lắng đọng, thẩm thấu, di chuyển trong phổi

Các chuyên gia y tế cho biết, bụi PM 2.5 thường phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau như: từ khí thải của các phương tiện giao thông, hoạt động của các nhà máy công nghiệp, hoạt động xây dựng, đốt rơm rạ, đun nấu và sưởi ấm bằng than, củi, từ khói thuốc lá… Người dân sống ở các thành phố lớn có mật độ giao thông cao, nhiều công trình xây dựng, nhà máy… sẽ có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với bụi PM 2.5 và các chất ô nhiễm không khí.

Vì có kích thước rất nhỏ nên bụi PM 2.5 rất nguy hiểm, có khả năng đi sâu vào tận các phế nang trong phổi và vào máu. Những chất này khi vào cơ thể sẽ gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài. Đặc biệt, bị phơi nhiễm với bụi PM 2.5 sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi.

Mỗi ngày con người hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tuỳ vào lứa tuổi và hoạt động thể lực nên nếu nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí cao thì mức phơi nhiễm hàng ngày lớn, từ đó tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe cấp tính và mạn tính.

Trước những tác động tiêu cực của nồng độ bụi PM 2.5 đến sức khỏe con người, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm nồng độ bụi PM 2.5 trong không khí và cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí để đảm bảo sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, để cải thiện chất lượng không khí, hiện thành phố đã hoàn thành kế hoạch trồng mới 1 triệu cây xanh; nâng tiêu chuẩn khí thải lên mức EURO 4, EURO 5 đến năm 2020; đưa vào sử dụng các nhiên liệu sạch để hạn chế nồng độ chất ô nhiễm trong khí thải… Ví dụ: Sử dụng nhiên liệu xăng E5 thay thế RON92; tăng cường công tác thanh, kiểm tra tại các khu, cụm công nghiệp, các làng nghề, các điểm đen về môi trường…

Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các Đề án nhằm cải thiện chất lượng không khí như: Đề án chống ồn, chống bụi; Đề án xử lý chất thải y tế nguy hại; Đề án thu gom, xử lý chất thải nguy hại; Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

Cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng đã tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông công cộng (xe buýt nhanh BRT, đường sắt trên cao…) và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân để giảm phát thải; giảm dần và xóa bỏ các bếp than tổ ong; hạn chế, tiến tới không đốt rơm rạ…

Minh Hà (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nỗ lực giảm nồng độ bụi mịn trong không khí