Sở TN&MT Hà Nội vừa tham mưu TP Hà Nội ban hành Chỉ thị về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố.
Theo đó, cơ quan chức năng xác định rõ khoảng thời gian ô nhiễm không khí nhất trong năm thường rơi vào từ cuối năm đến tháng 3 năm sau. Giai đoạn này, điều kiện thời tiết ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến chất lượng không khí.
Ảnh minh họa
Chỉ thị của TP Hà Nội tập trung vào việc giao cho tất cả các sở,ban, ngành, quận, huyện, thị xã phải tăng cường việc hướng dẫn và tuyên truyền cho người dân thực hiện các hành động bảo vệ môi trường như: hạn chế sử dụng bếp than tổ ong, dừng ngay việc đốt rơm rạ…
Theo số liệu kết quả quan trắc của 6 trạm quan trắc không khí tự động liên tục (tại Hà Nội, Việt Trì, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa) do Tổng cục Môi trường quản lý; 10 trạm (tại Hà Nội) do Sở TN&MT Hà Nội quản lý; 1 trạm (tại Hà Nội) của Đại sứ quán Pháp và 2 trạm (tại Hà Nội, TP HCM) của Đại sứ quán Mỹ cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn đạt QCVN 05:2013/BTNMT.
Tại Hà Nội, trong tháng 1, giá trị quan trắc trung bình 24h các trạm có 9 ngày vượt quá giới hạn so với QCVN, riêng trong tháng 2 (từ ngày 1/2 đến ngày 24/2) đã có 14 ngày vượt QCVN. Trong tháng 3 và các tháng tới, theo quy luật hàng năm, chất lượng không khí có thể được cải thiện hơn so với các tháng đầu năm.
Khánh An (T/h)