Hà Nội: Phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, hợp vệ sinh vào năm 2020

25/02/2017 02:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến đầu năm 2017, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn của TP được sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 39%.

Để đạt mục tiêu tới năm 2020, 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp.
images1569758_Anh_trang_7
Nhiều khu vực vẫn “khát” nước sạch
Theo thống kê của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn (NSH&VSNT) – Sở NN&PTNT Hà Nội, đến tháng 2/2017, gần 95% dân số nông thôn đã được tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch mới đạt khoảng 39%. Con số này chưa đạt so với mục tiêu kế hoạch hàng năm mà TP hướng tới. Ông Đỗ Quý Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm NSH&VSNT (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm vẫn diễn ra phổ biến tại các huyện: Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức… Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt tại một số địa phương khu vực phía Tây Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ… vẫn rất trầm trọng, nhất là vào những tháng cao điểm mùa khô.   
Quản lý hiệu quả mạng lưới cấp nước
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng cấp nước sạch nông thôn chưa đạt kế hoạch là do hệ thống trạm cấp nước chưa phát huy hết hiệu năng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn TP hiện có 110 trạm cấp nước tập trung, tuy nhiên, trong số này chỉ có 83 trạm đang hoạt động tương đối ổn định. 23 trạm đang tạm ngừng hoạt động. Các trạm cấp nước còn lại được TP cho phép thanh lý thu hồi tài sản hoặc dừng đầu tư. Không chỉ gần 1/4 số trạm cấp nước ngừng hoạt động, các trạm hiện đang hoạt động cũng có hiệu suất cấp nước đạt thấp và thất thoát nước cao. Trung bình các trạm cấp nước chỉ đạt 80% công suất thiết kế, trong khi tỷ lệ thất thoát nước bình quân cũng lên tới gần 25%. Nguyên nhân do phần lớn các công trình được xây dựng từ lâu, hệ thống dẫn nước sau nhiều năm hoạt động bị hoen rỉ, bục vỡ… Từ thực tế đó, TP đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ, từng bước tháo gỡ khó khăn để các DN mạnh dạn tham gia.
Cùng với nguồn vốn đầu tư hàng năm cho hạ tầng nước sạch nông thôn, những năm qua, Hà Nội cũng nhận được hỗ trợ lớn từ các tổ chức quốc tế, trong đó đặc biệt là WB. Giai đoạn 2013 – 2017, WB đã tài trợ và cho Hà Nội vay khoảng 640 tỷ đồng để triển khai xây dựng 7 dự án trạm cấp nước sạch. Ông Lý Thanh Sơn – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các Chương trình nước sạch và VSNT dựa trên kết quả 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng (PforR) cho biết, đến đầu năm 2017, 3/7 công trình sử dụng nguồn vốn vay của WB đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đó là các trạm cấp nước sạch xã Hương Sơn (Mỹ Đức), Liên Hiệp – Hiệp Thuận (Phúc Thọ) và Phong Vân – Cổ Đô (Ba Vì), giúp mang nước sạch đến với khoảng 7.200 hộ dân khu vực nông thôn. Ba trạm cấp nước sạch liên xã khác gồm: Tam Hưng – Thanh Thùy (Thanh Oai), Trung Hòa – Trường Yên (Chương Mỹ) và Liên Phương – Hồng Vân – Thư Phú – Hà Hồi – Vân Tảo (Thường Tín) cũng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục. Ba công trình này dự kiến được đưa vào vận hành khai thác trong tháng 3/2017, bảo đảm cấp nước sạch cho 12.000 hộ dân các xã nêu trên.
Cởi gỡ cơ chế thu hút xã hội hóa
Trong bối cảnh nguồn vốn cho đầu tư nước sạch còn những khó khăn, việc đẩy mạnh xã hội hóa đang được Hà Nội rất chú trọng và xem là lời giải cho bài toán cấp nước sạch trên địa bàn. Giải pháp này cũng đã được nêu trong thông báo truyền đạt kết luận của lãnh đạo TP tại cuộc họp liên quan tới vấn đề cấp nước sạch. Đó là TP chủ trương kêu gọi xã hội hóa đầu tư cấp nước sạch nông thôn, hạn chế đầu tư từ nguồn ngân sách, tiến tới cổ phần hóa các công ty cấp nước do Hà Nội quản lý. Cụ thể hóa cách làm đó, mới đây, UBND TP đã đồng ý hỗ trợ Công ty TNHH Đồng Tiến Thành Hà Nam thực hiện dự án đầu tư cấp nước sạch cho 10 xã làng nghề, thị trấn bị ô nhiễm nguồn nước thuộc huyện Thạch Thất. Một số DN đã được TP đồng ý cho tiếp nhận, hỗ trợ vốn, bố trí quỹ đất để quản lý vận hành các công trình cấp nước. Xã hội hóa đầu tư với sự hỗ trợ của TP cũng sẽ là cách làm đối với các dự án cấp nước sạch nông thôn thuộc Kế hoạch số 162 về triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy. Đây là nhóm dự án có tổng mức đầu tư 1.823 tỷ đồng, dự kiến triển khai tại các huyện: Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thường Tín, Ba Vì, Phúc Thọ, Chương Mỹ, nhưng chưa thể thực hiện do thiếu vốn.
Dù TP đang có nhiều giải pháp thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức, DN trong xã hội hóa cung cấp nước sạch, nhưng thực tế, công tác này vẫn còn những bất cập. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Việt – Giám đốc Công ty TNHH Nước sạch Hùng Thành Phù Đổng – một trong những doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực cung cấp nước sạch: Các công trình cấp nước sạch tập trung cần nguồn vốn lớn, thời gian triển khai dài, nhưng tiến độ hoàn vốn lại rất chậm. Việc TP quy định hỗ trợ đầu tư một lần sau khi có quyết toán công trình là chưa tạo thuận lợi cho DN. Vì vậy, TP nên nghiên cứu, sửa đổi quy định hiện hành từ hỗ trợ sau khi công trình hoàn thành, thành hỗ trợ trong giai đoạn thi công theo phương thức ứng vốn từng phần (căn cứ hồ sơ quyết toán) và khối lượng hoàn thành từng giai đoạn. Sau đó quyết toán toàn phần khi công trình đi vào sử dụng. Đây cũng là đề xuất nhận được đồng tình của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực cấp nước. Có như vậy, mục đích thu hút doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực cung cấp nước sạch mới đạt hiệu quả, và mục tiêu phổ cập nước sạch khu vực nông thôn của Hà Nội vào năm 2020 mới có thể trở thành hiện thực.
Minh Châu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được dùng nước sạch, hợp vệ sinh vào năm 2020