Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2021 sẽ có xe buýt điện

Trâm Anh (T/H)|02/10/2019 01:29
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phấn đấu năm 2021-2025 đưa xe buýt điện vào hoạt động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Trước đó, Đại diện Tập đoàn DATAM (Hàn Quốc) cho biết, đơn vị sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất xe buýt điện với giá chỉ bằng 20% so với xe buýt hiện nay cho TP Hồ Chí Minh để đầu tư vào dự án xe buýt điện công cộng thông minh. Dự án xe buýt điện thông minh này có tổng vốn đầu tư 525.000.000 USD từ nguồn Quỹ khí hậu Xanh. Trong đó, dự kiến đầu tư 300.000.000 USD để sản xuất 20.000 xe buýt điện và 225.000.000 USD để trang bị đèn đường LED năng lượng mặt trời thông minh tích hợp camera AI, Wifi miễn phí…Trong giai đoạn đầu, chi phí đầu tư thí điểm cho một tuyến đường 2 chiều với khoảng cách 30 km là khoảng 10 triệu USD.

Ảnh minh họa

Mới đây, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở GTVT tiếp tục hoàn thiện kế hoạch, tập trung vào các giải pháp quản lý, xây dựng bản đồ số để quản lý và điều hành về giao thông chung và các phương tiện vận tải công cộng; Bổ sung vào kế hoạch xây dựng trung tâm điều hành giao thông (trong đó có xe buýt, cứu hộ, cứu nạn, bãi đỗ xe, đưong sắt đô thị…) tại Khu liên cơ Võ Chí Công, phấn đấu đưa vào vận hành trước tháng 6/2020.

“Đặc biệt Sở GTVT Hà Nội cần tập trung phát triển mạng lưới xe buýt ngang; tăng cường khảo sát để mở rộng thị trường, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Phấn đấu đến năm 2021-2025 đưa xe buýt điện vào hoạt động”, kế hoạch của TP Hà Nội nêu.

Để xe buýt hoàn thành các chỉ tiêu về nhu cầu phục vụ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trong đó có xe buýt.

Cụ thể, để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ VTHKCC đạt từ 20 đến 25% vào năm 2020 trong đó xe buýt đạt từ 17 đến 20%, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai xây dựng, rà soát bổ sung các kế hoạch, đề án như: thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ ùn tắc để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2020; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng…

Với xe buýt, thành phố Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. Trong các tuyến đường được thành phố Hà Nội lên phương án tổ chức đường ưu tiên cho xe buýt gồm có: Nguyễn Trãi – Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông) dài 5 km; Tuyến đường Pháp Vân – Giải Phóng – Đại Cồ Việt 4,7 km; Tuyến đường Nguyễn Văn Cừ – Ngô Gia Tự 5,9 km; Tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Linh Đàm 9,6 km… Với trục đường Nguyễn Trãi – Trần Phú (đến Cầu Trắng, Hà Đông) là khôi phục lại vì trước đây tuyến đường này đã có 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt ở hai bên.

Song song với kế hoạch trên, TP Hà Nội cũng rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh – BRT, đường sắt đô thị…

Về mạng xe buýt, trong năm nay sẽ hoàn thành việc mở mới khoảng 20 tuyến, sang năm 2020, tiếp tục mở mới từ 25 – 25. Các tuyến buýt được mở mới sẽ có nhiệm vụ mở rộng mạng lưới tuyến tới các khu vực ngoại thành, các trung tâm phát sinh nhu cầu như đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí, du lịch…

Trâm Anh (T/H)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2021 sẽ có xe buýt điện