Chất lượng không khí ở Hà Nội liên tục trạm mức xấu
TP. Hà Nội liên tục đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường không khí. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do đô thị hóa, dân số tăng nhanh, nhất là mật độ xây dựng, lượng phương tiện giao thông tăng đột biến.
Theo số liệu thống kê năm 2018, ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) tại TP. Hà Nội là vấn đề đáng lo ngại. Số liệu từ trạm đo thuộc Ðại sứ quán Mỹ và phân tích của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc, nồng độ bụi mịn trung bình năm tại Hà Nội ở mức cao (40,1µg/m3), vượt quá giới hạn của Quy chuẩn quốc gia QCVN:05/2013/BTNMT. Khi phân tích dữ liệu theo ngày, số ngày trong năm có nồng độ bụi mịn trung bình ở mức cao là 88 ngày, tương đương 24% tổng số ngày trong năm; nếu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, thì con số này là 232 ngày, chiếm 64% tổng số ngày trong năm. Dữ liệu tại 10 trạm quan trắc của UBND Thành phố Hà Nội cũng cho thấy, mức độ ô nhiễm bụi tại các vị trí cũng khác nhau. Các trạm đo tại đường Minh Khai và đường Phạm Văn Ðồng có số ngày trong năm có nồng độ bụi vượt quá Quy chuẩn quốc gia cao nhất lần lượt là 129 ngày (35% tổng số ngày trong năm) và 109 ngày (30% tổng số ngày trong năm).
Vấn đề ô nhiễm không khí trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hà Nội có tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố ô nhiễm. Theo số liệu báo cáo của Tổ chức Hòa bình xanh quốc tế (Green Peace), năm 2019 và 2020, không khí Hà Nội có thời điểm đạt đến ngưỡng báo động. Tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã được các cơ quan chuyên môn xác định, đó là khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong; ô nhiễm ao hồ lâu năm; sản xuất công nghiệp; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… tuy nhiên, dưới góc nhìn vĩ mô, nhiều chuyên gia nhìn nhận, lý do lớn nhất và sâu xa nhất chính là từ lĩnh vực quy hoạch.
Theo ghi nhận, lúc 7h15 sáng 5/1/2021, trên hệ thống cảm biến chất lượng không khí PAM Air tại khu vực Hà Nội, các điểm đo phổ biến hai màu tím và nâu, tượng trưng cho chất lượng không khí ở mức "Rất xấu" và "Nguy hại".
Cùng thời điểm, tại các điểm quan trắc cố định về chất lượng môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cũng cho chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 240, mức "Rất xấu" khiến mọi người đều bị ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều hơn.
Chỉ số AQI ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội cũng ở mức "Xấu", trong đó các khu vực Minh Khai, Trung Hòa - Cầu Giấy, 57 Trần Hưng Đạo, Pháp Vân - Tứ Hiệp... đều có chỉ số chất lượng không khí ở mức "Rất Xấu".
Tại điểm quan trắc cố định 556 Nguyễn Văn Cừ thuộc Trung tâm Quan trắc của Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí ở Hà Nội cũng ở mức "Xấu".
Theo số liệu quan trắc của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội, vào 8h30 sáng 27/10/2021, chỉ số CLKK (AQI) tại nhiều khu vực đã diễn biến xấu hơn rất nhiều so với những ngày trước đó. Cụ thể, tại 9 trạm quan trắc không khí tự động có 5 khu vực ở mức xấu, 2 khu vực ở mức kém và 1 khu vực ở mức trung bình. Tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) có mức độ ô nhiễm tới mức 191 (tức gây xấu cho sức khỏe).
Cũng tại thời điểm trên, số liệu của trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air, CLKK ở Hà Nội xuống sâu tới mức 241 (rất xấu). Theo số liệu của Air Visual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào 8h31 phút ngày 27/10/2021, CLKK ở Hà Nội xuống mức 178 (xấu), theo đơn vị này, CLKK ở Hà Nội xuống tới mức ô nhiễm đứng thứ 3 thế giới (chỉ sau Ấn Độ và Pakistan).
Ngày 4/1/2022, chất lượng không khí vẫn tiếp tục ở mức báo động tại Cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí AQI trung bình là 162, mức xấu. Có hai điểm ở mức rất xấu thuộc trung tâm quận Hoàng Mai và khu vực Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Nhiều điểm chất lượng không khí xấu nằm rải rác khắp các quận, huyện.
Tiếp đó, kết quả phân tích của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội), từ 6h đến 13h ngày 15/1/2022 cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) nhiều khu vực ở mức đỏ (có hại), một số khu vực tiệm cận mức nguy hại đến sức khỏe người dân.
Cụ thể, tại khu vực Kim Liên, chỉ số AQI ở mức 192-198; khu vực Tây Mỗ 185-194; Phạm Văn Đồng 164-185; Hoàn Kiếm 159-177; các khu vực khác dao động từ 144-158.
Ngày 28/2, các ứng dụng quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội cho thấy nhiều điểm ở mức đỏ (có hại), thậm chí có điểm ở mức nâu (nguy hiểm).
Tại thời điểm 9h ngày 28/2, ứng dụng VN Air của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) ghi nhận cả 2 điểm quan trắc tại Hà Nội đều ô nhiễm. Điểm 556 Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) không khí ô nhiễm ở mức đỏ - những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Điểm Chi cục Bảo vệ môi trường (quận Đống Đa) ở mức cam.
Trên ứng dụng AirVisual (sản phẩm của Tổ chức IQAir sở hữu lượng dữ liệu tổng hợp rất lớn về chất lượng không khí, có trụ sở chính tại Thụy Sĩ), hầu hết tại các điểm quan trắc ở Hà Nội đều ô nhiễm ở mức đỏ. Đặc biệt, điểm quan trắc tại Happy House Garden (quận Hoàn Kiếm) và Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ) ở mức tím - rất có hại cho sức khỏe.
Ứng dụng PAM Air (mạng lưới quan trắc môi trường không khí độc lập đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam phủ rộng tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, do Công ty cổ phần Tư vấn và tích hợp công nghệ D&L quản lý) ghi nhận Hà Nội có tới 35 điểm màu đỏ - có hại cho sức khỏe.
Sáng 7/4/2022, nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội có chỉ số ô nhiễm báo động nguy hại cho sức khỏe với bảng màu tím, chỉ số AQI có nơi lên đến 245.
Theo ứng dụng cảnh báo chất lượng không khí Pam Air, 8h00 sáng 7/4, nhiều điểm của Hà Nội báo động mức ô nhiễm nghiêm trọng. Hàng loạt điểm đo, chỉ số AQI vượt trên 200. Các điểm có chỉ số AQI trên 200 như Thiên Đường Bảo Sơn, Trường đại học Ngoại thương, Làng sinh viên Hacinco, Khu tập thể Kim Liên, Ngọc Hà, Đại học Ngoại thương, Quan Hoa, Hàng Trống, Hàng Bài, Khu đô thị Times City...
Đáng chú ý, hầu hết "điểm đen" không khí đều nằm ở khu vực trung tâm nơi mật độ giao thông cực cao, trong khi các huyện ngoại thành, hoặc xa trung tâm hơn như quận Long Biên, không ghi nhận điều này.
"Điểm mặt" những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: Nguồn gây ô nhiễm không khí tại TP. Hà Nội chủ yếu từ các nguồn tại chỗ, như hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, đốt rơm rạ, đốt rác và một số nguồn vận chuyển từ xa. Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thường tăng cao vào giờ cao điểm, từ 60% đến 70% bụi mịn do ô-tô, xe máy thải ra. Bụi mịn có kích thước chỉ bằng 1/30 sợi tóc nên có khả năng đi sâu vào hệ hô hấp, phổi, mạch máu, gây nên nhiều bệnh mãn tính, hoặc khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn. Chính vì vậy, những người mắc các bệnh mạn tính cần hạn chế ra đường, nhất là vào các giờ cao điểm. Nếu phải lưu thông trên đường, người dân nên trang bị các phương tiện bảo vệ như khẩu trang chuyên dụng, kính… hay sử dụng các phương tiện công cộng.
TS. KTS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng phòng Quản lý khoa học kỹ thuật và dữ liệu, Viện kiến trúc quốc gia cho rằng, việc bỏ qua và không tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú lẫn chức năng sử dụng đất… bị lạm dụng và trở thành hội chứng điều chỉnh quy hoạch dẫn đến việc gia tăng cư dân không kiểm soát, không những gây áp lực mà còn dẫn tới hủy hoại môi trường không khí, hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã lạc hậu. Với kết cấu trong thị có thôn và ngược lại trong thôn có thị đã dẫn đến việc nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ven đô, ngoại vi như đốt rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất các vật liệu xây dựng như lò gạch thủ công, gia công cơ khí, hóa chất… khói bụi và các chất độc hại bị thải vào môi trường, đặc biệt vào mùa hè, tích tụ với nhiệt độ và hiệu ứng nhà kính, càng làm cho sức nóng và đảo nhiệt của đô thị lớn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, nhà máy, bệnh viện.. vẫn còn nằm trong nội đô, hàng ngày, thải ra toàn bộ các chất thải rắn, lỏng, khí… gây độc hại vẫn chưa được di dời ra khỏi nội đô. hoạt động thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải xây dựng diễn ra vừa ồ ạt, vừa manh mún với nhiều biện pháp thi công lạc hậu, không che chắn… đã tạo một khối lượng lớn bụi, khói vào môi trường đô thị.
Bà Đào Thị Anh Điệp - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, hiện nay, Thành phố Hà Nội xác định được 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Trong đó, nhóm nguyên nhân chủ quan do con người gây ra là từ khí thải của các phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa đường giao thông do chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, chất thải không đúng quy định tại một số địa phương. Ngoài ra, còn có nguyên nhân khách quan như: Bụi mịn, chất ô nhiễm từ bên ngoài di chuyển vào thành phố Hà Nội; do hiện tượng nghịch nhiệt gây ra…
Việc quá chú trọng vào phát triển nhà ở mà ít quan tâm tới xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng môi trường đô thị cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí gia tăng. Theo KTS Lê Anh Tuấn (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), hệ thống đường giao thông, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, công viên, vườn hoa, không gian công cộng đang khá thiếu trong các thiết kế quy hoạch đô thị; hoặc nếu có thì tầm nhìn dự báo cũng ở giai đoạn ngắn hạn.
Trong khi đó, thực trạng nhiều ao hồ ngoài vùng nội đô bị san lấp để xây dựng các công trình đã ảnh hưởng tới việc điều hòa, làm tăng chất lượng không khí trong đô thị vốn đã bị nén và quá tải. “việc quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển Hà Nội theo đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm chưa được đề cập thỏa đáng trong chính sách vĩ mô cũng như các đồ án quy hoạch chi tiết để triển khai áp dụng” - KTS Lê Anh Tuấn nêu.
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - TS. KTS Phan Đăng Sơn đánh giá, Hà Nội là Thành phố có mật độ rất cao ở khu vực nội đô và đang tăng nhanh ở ngay cả khu vực ngoại ô. Việc cải thiện chất lượng không khí cho các không gian ở trong nhà và cả ngoài trời đã trở nên bức thiết, nhất là trong bối cảnh các giải pháp hiện nay hiệu quả chưa cao, chưa vững chắc về cơ sở và cả về khoa học, thực tiễn, cần đề xuất thêm những giải pháp khả thi.
Giải pháp cho vấn đề ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Bà Đào Thị Anh Điệp - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, để tăng cường cải thiện chất lượng không khí, Thành phố Hà Nội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn và yêu cầu các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Tiêu biểu, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 của UBND thành phố về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Văn bản số 742/UBND-ĐT ngày 15/3/2021 về việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải… Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường đang đẩy nhanh đầu tư lắp đặt bổ sung hệ thống trạm quan trắc không khí để cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về chỉ số môi trường không khí và đưa ra các khuyến cáo để người dân dự phòng, có biện pháp bảo vệ sức khỏe theo mức độ ô nhiễm.
Trong những ngày thời tiết hanh khô, lặng gió, thành phố sẽ chỉ đạo các công ty môi trường tăng cường phun nước rửa đường nhiều lần trên các trục, tuyến đường giao thông chính trong nội thành để hạn chế bụi phát tán; thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên đường... Thành phố cũng chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công công trình xây dựng, giao thông thực hiện nghiêm biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu phát tán bụi, khí thải ra môi trường xung quanh; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, thành phố đang đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo tiêu chuẩn châu Âu đối với các phương tiện giao thông; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm phương tiện cá nhân. Đặc biệt, từ ngày 12/11/2021, Thành phố Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam triển khai chương trình thí điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Chương trình được triển khai đến tháng 6/2022, với các hoạt động chính là đo kiểm khí thải miễn phí cho 5.000 xe mô tô, xe gắn máy của các hãng: Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM. Với xe máy đăng ký lần đầu trước năm 2002, người dân có nhu cầu chuyển đổi sang xe máy mới sẽ nhận được mức hỗ trợ tối đa lên đến 4 triệu đồng. Sau khi kết thúc chương trình, thành phố sẽ đánh giá thực trạng và ảnh hưởng của phát thải từ xe máy đến chất lượng không khí để đề xuất các giải pháp, xây dựng chính sách về giao thông và bảo vệ môi trường bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội…
Thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước; trồng nhiều cây xanh trong khu đô thị, nơi công cộng để tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh...
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong các đô thị hiện nay, TS. KTS Nguyễn Tất Thắng cho rằng, cần phải đặt lĩnh vực môi trường không khí nằm trong môi trường chung của đô thị. Khi giải quyết tốt các vấn đề chất lượng môi trường, chất lượng không khí sẽ cải thiện theo. Trên phương diện quy hoạch - kiến trúc, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quy hoạch như mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú, đồng nghĩa kiểm soát và hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch. Cần xác định rõ và đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm trực tiếp và gián tiếp để từ đó có những giải pháp quy hoạch, thiết kế, kết nối đồng bộ trên cơ sở khai thác, tận dụng môi trường tự nhiên sẵn có như ánh sáng, không khí, cây xanh, mặt nước… đặc biệt, cần quan tâm đến việc quy hoạch các hệ thống xử lý nước thải có tính cục bộ và liên kết vành, vì hiện nay phần lớn nước thải sinh hoạt và sản xuất tại Hà Nội mới chỉ xử lý tạm thời rồi thoát ra môi trường tự nhiên.
Trong khi đó, TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch cho rằng, Hà Nội cần quan tâm đến quy hoạch các khu công nghiệp như một giải pháp dài hạn, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng của khu công nghiệp hiện hữu trong nội đô thành các công viên cây xanh, hay không gian công cộng. thực tế, vị trí quy hoạch các khu công nghiệp tại thời điểm lập quy hoạch không sai, do trước đây, khu vực này vốn nằm ngoài Hà Nội, gần như không ảnh hưởng đến đô thị.
Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch mới, khi mở rộng đô thị, các khu công nghiệp này vô tình trở thành khu vực nằm trong đô thị, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện những giải pháp kiểm soát lượng chất thải của các khu công nghiệp ra môi trường. “Trong tầm nhìn xa, di dời các khu công nghiệp ra xa khỏi khu dân cư đô thị là một giải pháp đáng để cân nhắc” TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
"Tại Việt Nam vẫn có rất nhiều khu vực thiên nhiên, chất lượng không khí tốt, hay những đô thị chưa có mật độ dân số cao, quy hoạch theo đúng cách, chất lượng không khí vẫn được đảm bảo và không phải vấn đề cần bận tâm. Tuy nhiên với các đô thị lớn như Hà Nội, những yếu tố từ giao thông, xây dựng, mật độ nhà ở đông đúc khiến chất lượng không khí bị ảnh hưởng. Do đó, để giải quyết vấn đề này, xét trên tầm vĩ mô, quy hoạch môi trường đô thị bền vững phối hợp với thể chế mới là giải pháp lâu dài", chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch Ngo Viet Architects & Planners – TS. KTS Ngô Viết Nam Sơn thông tin.
Mới đây, tại Hội thảo trực tuyến "Quản lý chất lượng không khí thành phố Hà Nội - Thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp," các chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, nhà quản lý đã chia sẻ các giải pháp hỗ trợ xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại Hà Nội.
PGS. TS Hoàng Anh Lê, Trưởng nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội kiến nghị, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, nhất là các nguồn thải lớn; lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để giám sát.
Mặt khác, cần thúc đẩy các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng: Ô nhiễm môi trường không khí hiện đang là vấn đề phức tạp, không chỉ riêng Hà Nội mà của cả nước. Vì vậy, để quản lý, kiểm soát chất lượng không khí đạt hiệu quả, thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương cần tiếp tục rà soát, ban hành, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật, nhất là xây dựng quy định đối với môi trường không khí. Tăng cường kiểm soát, hạn chế các nguồn gây ô nhiễm bụi trên địa bàn, như: Tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhằm kiểm soát việc phát tán bụi tại các địa điểm thi công xây dựng và trên phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng; tăng mật độ cây xanh trong đô thị, mở rộng công viên. Tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên cao, xe điện ngầm và hình thức giao thông không gây ô nhiễm; khuyến khích phát triển phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch; kiểm soát chặt chất lượng nhiên liệu đi-ê-zen và xăng.
Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chất lượng môi trường không khí đối với sức khỏe đến cộng đồng; xây dựng các cơ chế cụ thể để có sự tham gia của cộng đồng trong quy trình xây dựng quy hoạch, lập kế hoạch, triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường không khí. Phát huy vai trò kiểm tra, kiểm soát của cộng đồng đối với các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường không khí, nhất là các dự án mới xây dựng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.