Hà Nội rác ngập đường vì dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn

Hà Linh (T/h)|14/01/2019 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Từ ngày 11/1, rác thải sinh hoạt ở nhiều quận nội thành Hà Nội không có xe thu gom chở đi như mọi ngày, chỉ được công nhân môi trường thu gom lại thành đống trên đường, trong bãi hoặc chất trên xe gom rác. Rác thải không được xử lý bốc mùi khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực dân cư xung quanh và người đi đường.

– Tình trạng các xe chở rác không thể đưa vào bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) khiến nhiều quận nội thành bị ùn ứ, tồn đọng lượng rác lớn, chất thành đống ngổn ngang.

>>> Thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) – Bài 1: Người dân “khốn khổ” vì sống chung với khí thải độc hại từ trạm trộn bê tông của công ty Nam Hồng

>>> Nhiều nguy hại từ lạm dụng thuốc diệt cỏ

Tại nhiều điểm tập kết rác khác ở một số quận nội thành, rác được chất đầy lên hàng chục xe đẩy, xếp tràn xuống lòng đường. Rác sinh hoạt chất đống, bốc mùi hôi thối, ô nhiễm trầm trọng khiến người dân nội thành vô cùng khốn khổ.

Nhiều túi rác thải sinh hoạt được chất thành từng đống. Ảnh Trần Vương

Bà Lê Thị Thảo (80 tuổi, nhà mặt đường phố Hoàng Văn Thái, Hà Nội) cho biết dù đã đóng kín cửa nhưng mùi hôi thối của rác vẫn bay vào nhà, mấy tối nay cả nhà bà không ai ngủ được. “Người dân không thấy kẻng rác nên cứ ra bãi rác để vứt khiến bãi rác trước cửa nhà tôi ngày một cao hơn”, bà Thảo nói.

Những ngày này, các công ty vệ sinh môi trường huy động 100% lực lượng tham gia dọn dẹp.

“Suốt 3 ngay nay, chúng tôi đều làm việc từ 4 rưỡi sáng đến 11 rưỡi đêm. Ba bữa cơm gộp làm 1 do chẳng có thời gian nghỉ ngơi.”, anh Thắng, công nhân môi trường phường Phương Liệt HTX Thành Công cho biết.

Những xe rác nối đuôi nhau ven đường gây cản trở giao thông

Không chỉ làm việc với công suất gấp 4 5 lần ngày thường, việc tiếp xúc với rác mục rữa, hôi thối trong nhiều ngày khiến các công nhân môi trường luôn trong tình trạng buồn nôn và chóng mặt.

“Nếu xe cẩu có thể đến lấy rác được thì chúng tôi cũng là người khổ nhất. Cả đội sẽ phải lao động 100% sức lực để chất hết rác lên xe và dọn dẹp đường phố”, chị Phương, công nhân môi trường tổ Hoàng Văn Thái công ty CP Xanh chia sẻ.

Tuy vậy, chị vẫn mong tình trạng rác ứ đọng sớm được giải quyết để có thể ổn định lại cuộc sống.

Theo báo Thanh Niên đưa tin, chiều 13.1, ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết nguyên do người dân ở gần bãi rác Nam Sơn bắt đầu chặn xe tải chở rác vào bãi rác từ đêm 10.1, rạng sáng 11.1, khiến hàng trăm xe tải rác của đơn vị bị ùn ứ. Đến chiều 13.1, người dân vẫn chặn không cho xe tải chở rác vào bãi. Hiện các cơ quan chức năng đang vào cuộc, tìm hướng giải quyết vấn đề. Về số lượng rác còn ùn ứ ở nội thành, ông Tiến cho biết khó có thể ước tính bao nhiêu tấn, nhưng chắc chắn là không ít.

Rác tràn trên đường tại các quận nội thành Hà Nội gây ô nhiễm nghiêm trọng

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Quang Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội), xác nhận sự việc một số người dân trên địa bàn chặn xe chở rác không cho vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn.

Theo ông Hòa, mọi việc cơ bản đã được giải quyết. Lãnh đạo TP, lãnh đạo huyện và chính quyền địa phương đã trao đổi với người dân, thuyết phục người dân cho xe chở rác vào Khu xử lý rác thải Nam Sơn.

Đây không phải là lần đầu tiên, xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn bị người dân chặn. Nguyên nhân người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn là do tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, số người bị mắc các bệnh về đường hô hấp, bệnh ngoài da…

Ô nhiễm nguồn nước cũng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở địa bàn huyện Sóc Sơn. Do lượng rác chuyển về ngày càng nhiều, bãi rác Nam Sơn càng phình to, ô nhiễm càng nặng, nên người dân mong muốn được di dời sớm.

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội mới đây đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố.

Theo đó, đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0 m – 150 m được hỗ trợ 133.000 đồng/người/30 ngày, từ 150 – 300 m được hỗ trợ 106.000 đồng/người/30 ngày; từ 300 m – 600 m được hỗ trợ 84.000 đồng/người/30 ngày; từ 500 m – 600 m được hỗ trợ 80.000 đồng/người/30 ngày; từ 600 m – 800 m được hỗ trợ 54.000 đồng/người/30 ngày; từ 800 m – 1.000 m được hỗ trợ 27.000 đồng/người/30 ngày.

Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất từ 0 – 500 m được hỗ trợ 170 đồng/m2/ năm; đối với khoảng cách từ 500 m – 1.000 m, hỗ trợ 102 đồng/m2/năm.

Hà Linh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội rác ngập đường vì dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.