Hà Nội tập trung kiểm soát môi trường làng nghề

Duy Minh|27/08/2021 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó, đưa ra các phương án đầu tư, bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả.

Rà soát đánh giá, phân loại đưa ra các phương án bảo vệ môi trường làng nghề

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 1.350 làng có nghề, trong đó 309 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.

Kết quả cho thấy 60/65 làng nghề ô nhiễm môi trường. Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Phần lớn nước thải từ các làng nghề chưa qua xử lý thải ra môi trường ao, hồ với mức độ ô nhiễm rất cao.

Rác thải được đổ rồi đốt trong cánh đồng làng Trát Cầu, huyện Thường Tín, Hà Nội – một làng nghề làm chăn, gối bông. (Ảnh: Trần Việt)

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, đứng trước thực trạng trên, Sở đã có những hướng dẫn các quận huyện có làng nghề tiến hành rà soát chất lượng môi trường từng làng và tổng hợp báo cáo về UBND Thành phố.

Báo cáo tổng hợp là căn cứ để UBND Thành phố tiếp tục thực hiện đánh giá, phân loại theo mức độ ô nhiễm môi trường toàn bộ làng nghề còn lại trên địa bàn, tiến tới mục tiêu 100 % các làng nghề được rà soát, đánh giá, phân loại theo Thông tư 31/2016/TT BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai Kế hoạch hỗ trợ đánh giá tác động môi trường làng nghề năm 2020 nhằm đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội làng nghề; Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của làng nghề đến môi trường và sức khỏe cộng đồng… làm cơ sở cho việc phân loại, phân bổ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ xử lý môi trường làng nghề trên địa bàn Thành phố.

Cần hơn 9.500 tỷ đồng cho các dự án môi trường làng nghề

Thành phố Hà Nội đang thực hiện Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn định hướng đến năm 2030. Trong năm 2021, Thành phố sẽ tập trung rà soát đánh giá, phân loại 165 làng nghề, từ đó, đưa ra các phương án đầu tư, bảo vệ môi trường làng nghề hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND Thành phố tăng cường kêu gọi đầu tư xây dựng 8 dự án xử lý nước thải, rác thải tại làng nghề trên địa bàn các huyện: Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng nguồn vốn khoảng 569 tỷ đồng.

Bã sắn được chất đống trong khu dân cư gây ô nhiễm. Ảnh: Nam Anh

Ngoài ra, Thành phố sẽ huy động đầu tư xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề ở các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Oai… với kinh phí gần 9.000 tỷ đồng.

Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đã đưa vào hoạt động Nhà máy Xử lý nước thải Cầu Ngà, công suất 20.000 m3/ngày đêm; hoàn thành cơ bản Nhà máy Xử lý nước thải Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), công suất 8.000 m3/ngày đêm… đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường cho các địa phương này.

Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đã giao Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống xử lý nước thả làng nghề cơ kim khí Thanh Thủy, Thanh Oai công suất 1.000 m3/ngày đêm giai đoạn 2021 – 2025 và nhà máy xử lý nước thải tại xã Vân Canh, Hoài Đức, công suất 4.000 m3/ngày đêm…

Mặt khác, nhằm đưa hoạt động sản xuất ra khỏi khu dân cư và bảo vệ môi trường làng nghề, thành phố Hà Nội đã thành lập được nhiều cụm công nghiệp làng nghề được đầu tư đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đồng bộ. Đến nay có khoảng 30/43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, đã xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung. Thời gian tới, UBND thành phố Hà Nội thành lập thêm hơn 40 cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Hà Đông…

Duy Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội tập trung kiểm soát môi trường làng nghề
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.