Hà Nội thông xe đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, cởi “nút thắt” cửa ngõ phía Tây Thủ đô

Lê Nhân|10/10/2019 03:20
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sáng 10-10, Sau hơn 3 năm quây rào để thi công mở rộng, đường Vành đai 3 dưới thấp, đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long đã chính thức được thông xe, đưa vào sử dụng (hoàn thành giai đoạn 1), giảm ùn tắc cho cửa ngõ phía Tây Thủ đô.

Dự án đầu tư mở rộng tuyến đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020, là tuyến đường huyết mạch kết nối giao thông từ nội thành đi sân bay Nội Bài và liên kết các khu công nghiệp lớn của Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đi về phía Nam để vận chuyển lượng lớn hành khách, hàng hóa giữa khu vực Bắc và Nam Sông Hồng… Sau 3 năm kể từ ngày khởi công, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1.

Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, việc hoàn thành thông xe giai đoạn 1 công trình này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông tại các nút giao thông trọng điểm, phức tạp có lưu lượng tham gia giao thông rất lớn trên tuyến đường hiện nay; tạo điều kiện về mặt bằng để Bộ GTVT sớm hoàn thành tuyến cầu cạn trên cao, tiến tới hoàn thành đầu tư khép kín tuyến đường vành đai 3, theo quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo thành phố Hà Nội, các sở ngành cắt băng thông xe đường Mai Dịch – cầu Thăng Long

Tổng mức đầu tư dự án là 3.113 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách TP Hà Nội. trong đó: Chi phí giải phóng mặt bằng 1.824 tỷ đồng; Chi phí xây dựng và thiết bị: 954 tỷ đồng.

Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long được UBND TP Hà Nội phê duyệt và khởi công vào cuối năm 2016. Đầu tư mở rộng đường Phạm Văn Đồng với chiều dài 5,5 Km. Mặt cắt ngang quy hoạch rộng từ 56m – 93m; mỗi bên bố trí từ 4 – 6 làn xe; vỉa hè rộng trung bình từ 4,5m – 8m.

Để có mặt cắt rộng như thế này, đại diện chủ đầu tư cho biết, ngoài phải thi công trong điều kiện khó khăn khi vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông, dự án đã phải di dời, bố trí tái định cư cho hơn 800 hộ dân; chặt hạ, đánh chuyển gần 1000 cây xanh nằm trong phạm vi dự án, trồng mới 1.522 cây xanh bóng mát (cây giáng hương và cây bàng Đài Loan…) và hàng chục nghìn mét vuông cây bụi (cây hồng lộc; nguyệt quế; dương xỉ…).

Để công trình sau khi đưa vào khai thác sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố tổ chức bàn giao ngay các hạng mục: Hè, cây xanh, chiếu sáng, đường giao thông… cho các đơn vị quản lý để tiếp nhận và thực hiện công tác duy tu, duy trì đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức thực hiện nghiệm thu; thanh, quyết toán các hạng mục đã hoàn thành theo đúng tiến độ quy định.

Lê Nhân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội thông xe đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long, cởi “nút thắt” cửa ngõ phía Tây Thủ đô