Hà Nội: UBND quận Nam Từ Liêm có đang “dung túng” cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận thi công xây dựng bất chấp các quy định của pháp luật?

Thu Thủy – Hà Thu|30/10/2020 09:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Công nhân ăn ở ngay tại công trường, khai thác nước giếng khoan, xả thải trái phép, không đảm bảo về PCCC, công nhân thi công không quần áo, mũ bảo hộ lao động, không dây đai an toàn khi làm việc trên cao…Đó là những tồn tại đang hiện hữu hằng ngày trong quá trình thi công xây dựng trường THPT Mỹ Đình. Những tồn tại trên được diễn ra nhiều tháng nay nhưng bộ máy chính quyền quận Nam Từ Liêm dường như đang “làm ngơ” cho những sai phạm của chủ đầu tư được tiếp tục nối dài?

VIDEO: Hà Nội: Quận Nam Từ Liêm có đang “dung túng” cho Ban QLDAĐTXD thi công xây dựng bất chấp pháp luật?

Thi công với nhiều “không” về môi trường, PCCC và mất an toàn lao động

Thời gian qua tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn nhận được phản ánh về việc Dự án xây dựng trường THPT Mỹ Đình thi công gây ô nhiễm môi trường, khai thác nước giếng khoan và xả thải trái phép,… Đặc biệt, công nhân hàng ngày đang ăn ở, sinh hoạt trực tiếp tại công trường, phóng uế ra môi trường mà không có biện pháp thu gom xử lý.

Trong quá trình thi công xây dựng dự án, các hộ dân sinh sống  cạnh dự án thường xuyên phải chịu đựng sự ô nhiễm môi trường, bụi bặm, tiếng ồn do quá trình thi công xây dựng công trình Trường THPT Mỹ Đình gây nên. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe của các hộ dân sống xung quanh dự án.

Dự án xây dựng trường THPT Mỹ Đình do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư thi công gây ô nhiễm môi trường, khai thác nước giếng khoan và xả thải trái phép

Không những vậy, trong quá trình thi công dự án còn có sự lơ là, buông lỏng quản lý về vấn đề an toàn lao động từ phía nhà thầu và chủ đầu tư dự án. Công nhân trong quá trình thi công xây dựng không tuân thủ quy định về an toàn lao động, không có đầy đủ đồ bảo hộ như: mũ, giày, găng tay, quần áo bảo hộ, dây đai an toàn.

Theo tìm hiểu được biết, Dự án xây dựng trường THPT Mỹ Đình có địa chỉ tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội có tổng diện tích 15.670m2 với 1 tầng hầm, 4 tầng nổi do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm làm chủ đầu tư.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV Môi trường và Cuộc sống đã có mặt tại nơi đang thi công xây dựng Dự án để “mục sở thị”.

Ghi nhận thực tế tại công trường, PV không khỏi giật mình trước việc công nhân thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, không đồ bảo hộ như: mũ, giày, găng tay, quần áo bảo hộ, dây đai an toàn, không ai dám chắc được những sơ suất, những tai nạn sẽ không xảy ra. Liệu rằng ở đây chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu có đang cố tình phớt lờ các quy định về an toàn lao động? Tại công trường cũng không hề có bất cứ khẩu hiệu, pano áp phích nào về an toàn lao động và PCCC.

Công nhân thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về an toàn lao động, không đồ bảo hộ như: mũ, giày, găng tay, quần áo bảo hộ, dây đai an toàn

Ngay tại công trường, nhà thầu thi công đã tận dụng diện tích tầng 1 để làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho công nhân trong khi đó công trình xây dựng vẫn đang trong quá trình thi công chưa được nghiệm thu đủ điều kiện về PCCC và chất lượng công trình xây dựng. Vậy điều gì có thể khẳng định được rằng nguy cơ về cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào? Liệu rằng những công nhân đang thi công tại công trường đã được học tập huấn kiến thức về PCCC? Những quy định về môi trường, phòng cháy chữa cháy đều bị chủ đầu tư coi thường, bỏ qua.

Công nhân trong quá trình thi công không được trang bị bảo hộ lao động theo đúng quy định

Rõ ràng mọi vấn đề về an toàn lao động đang được chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị giám sát bỏ ngỏ, cố tình phớt lờ các quy định về an toàn lao động. Vậy câu hỏi được đặt ra: Liệu UBND quận Nam Từ Liêm có đang “tạo điều kiện”, “làm ngơ” cho đứa “con cưng” của mình là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quận “coi thường” các quy định của pháp luật?. Vì thực tế, từ khi dự án được triển khai xây dựng nhiều tháng nay nhưng UBND quận Nam Từ Liêm lại chưa một lần thành lập đoàn để đi thanh kiểm tra và xử lý triệt để những sai phạm của chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Hay chỉ khi nào có thông tin báo chí phản ánh thì UBND quận Nam Từ Liêm mới “tá hỏa” đi thanh kiểm tra và để rồi tiếp tục câu chuyện “Mất bò mới lo làm chuồng”?.

Nước thải trong quá trình nấu ăn sinh hoạt, phóng uế bừa bãi được xả thẳng ra ngoài môi trường qua những rãnh nước nhỏ mà không được xử lý tạo thành những dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất lớn.

Nước thải trong quá trình thi công xây dựng và sinh hoạt của công nhân không được thu gom và xử lý theo quy định mà được xả thẳng ra ngoài môi trường

Theo quy định, toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trong quá trình thi công xây dựng dự án đều phải được thu gom và xử lý, đảm bảo đạt quy chuẩn Việt Nam QCVN 14: 2008/BTNMT (cột B), nước thải thi công phải được thu gom, xử lý đảm bảo đạt quy chuẩn QCTĐHN 02:2014/BTNMT (cột B) trước khi thải ra môi trường.

Lập hồ sơ xin cấp phép xả nước thải vào nguồn nước theo Nghị định số 201/2013/NĐ – CP ngày 27/11/2013 và thông tư số 27/2014/TT – BTNMT. Mặc dù, quy định đã rõ là vậy nhưng trên thực tế, từ khi thi công đến nay chủ đầu tư không hề thực hiện mà nước thải của công nhân ăn ở sinh hoạt tại công trường đang xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường mà không có hệ thống xử lý nước thải.

Theo Quy định tại điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xả thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định của pháp luật (với lưu lượng xả thải trên 5m3/ngày đêm).

Sai phạm nối tiếp sai phạm khi chủ đầu tư còn ngang nhiên cho khai thác nước dưới đất trái phép để phục vụ cho quá trình thi công xây dựng và cho công nhân ăn ở sinh hoạt hàng ngày. Điều này đang vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước.

Chủ đầu tư còn ngang nhiên cho khai thác nước dưới đất trái phép để phục vụ cho quá trình thi công xây dựng và cho công nhân ăn ở sinh hoạt hàng ngày

Theo quy định, với hành vi khai thác nước ngầm mà không được cấp có thẩm quyền cho phép được quy định tại Khoản 4, Điều 42, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Mức phạt tiền là 45.000.000 đồng (Bốn mươi lăm triệu đồng).

Những sai phạm đang hiện hữu ngay trước mắt nhưng dường như các cơ quan chức năng của quận Nam Từ Liêm và phường Mỹ Đình 1 lại đang dễ dàng bỏ qua, tạo điều kiện cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quậnNam Từ Liêm dễ dàng thoát được những án phạt. Dư luận đang đặt câu hỏi, trong suốt thời gian dự án thi công đến nay thì các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội, quận Nam Từ Liêm, phường Mỹ Đình 1 đã đi kiểm tra và nếu đã kiểm tra thì kiểm tra cái gì?

Ban QLDA xây dựng quậnNam Từ Liêm đang chơi trò “mèo vờn chuột” với Phóng viên

Để xác minh thông tin phản ánh và làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn của UBND quận Nam Từ Liêm về việc chấp hành pháp luật Bảo vệ môi trường, PCCC của chủ đầu tư dự án trong quá trình thi công, ngày 14/09/2020 tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã gửi giấy giới thiệu tới UBND quận để làm việc. Được biết vấn đề này được lãnh đạo UB quận Nam Từ Liêm giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận làm việc với báo chí nhưng sau nhiều lần liên hệ với ông Sơn – Giám đốc Ban mới phân công giao cho ông Trinh làm việc.

Ông Nguyễn Duy Trinh – Phó Giám đốc Ban QLDA được giao làm việc với PV Moitruong.net.vn nhưng lại đang cố tình “đánh võng” báo chí

Mãi cho tới ngày 13/10/2020 phóng viên Môi trường và Cuộc sống mới có buổi làm việc với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm. Tưởng rằng sau 01 tháng trời Ban QLDA kéo dài thời thời gian để chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ để làm việc với Phóng viên như trong nội dung đã đính kèm cần cung cấp cho báo chí. Tuy nhiên tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Trinh – Phó Giám đốc Ban QLDA và ông Tuân – Cán bộ ban đã cố tình “lừa dối” phóng viên khi mời PV về mà không cung cấp được bất cứ nội dung gì mà dùng chiêu bài “hoãn binh” viện cớ rằng mời PV về để ghi nhận cần cung cấp những hồ sơ giấy tờ gì để cho cán bộ chuẩn bị. Thật nực cười khi trước đó, PV đã đặt lịch làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm và có gửi kèm theo nội dung làm việc với những hồ sơ giấy tờ pháp lý cần chuẩn bị để cung cấp cho phóng viên. Tuy nhiên, tại buổi làm việc thì ông Trinh lại cho biết: không thấy UB quận giao cho cần cung cấp những hồ sơ gì nên không có sự chuẩn bị. Chính vì vậy lại một lần nữa ông Trinh – Phó GĐ Ban quản lý đã dùng kế “hoãn binh” với lời đề nghị: hẹn PV buổi làm việc tuần sau để ban có thời gian chuẩn bị hồ sơ. Cứ tưởng lời nói của một ông Phó giám đốc Ban QLDA quận Nam Từ Liêm nói ra sẽ có trọng lượng và uy tín ai ngờ, sau nhiều lần liên hệ với ông Trinh để bố trí buổi làm việc cung cấp hồ sơ cho PV thì vị này đã “lật giọng” nói rằng: “Phía ban giao cho đồng chí Tuân đang tập hợp hồ sơ nhưng chưa đủ thì bên báo để cho anh em xin lịch làm việc khác”.

Tiếp đó, đến ngày 26/10, PV tiếp tục liên hệ lại với ông Trinh để trao đổi về lịch làm việc thì ông Trinh lại nói rằng: Ban đang chỉ đạo đồng chí Tuân là người sẽ tổng hợp hồ sơ, soạn văn bản gửi lại cho UB quận và bên quận sẽ là người tiếp bên báo.

Có thể nói với cách làm việc “cẩn thận, tỉ mỉ” của Ban quản lý dự án và UBND quận Nam Từ Liêm nhằm kéo dài thời gian để “hợp thức hóa những sai phạm” và nhanh chóng hoàn thiện dự án để tránh được những cuộc kiểm tra và những án phạt.

Những vỏ thùng sơn được liệt kê vào danh mục chất thải nguy hại không được thu gom và lưu trữ theo đúng quy định mà vứt bừa bãi ra ngoài môi trường

Lợi dụng việc thi công xây dựng công trình “công” của nhà nước nên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quậnNam Từ Liêm và nhà thầu thi công đã “phớt lờ” đi hàng loạt những quy định của pháp luật. Hiện hữu ngay tại cổng Dự án là việc nhà thầu đã tự ý đấu nối đường ống bơm nước thải từ trong công trường chảy cuồn cuộn xả vào hệ thống cống chung mà không hề được xử lý. Câu hỏi mà dư luận đặt ra: Dự án được triển khai thi công với nhiều “không” nhưng không hiểu lý do vì sao mà UBND quận Nam Từ Liêm lại không có những biện pháp xử lý triệt để những sai phạm về việc thực hiện Luật bảo vệ môi trường, công tác an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy? Liệu rằng UBND quận Nam Từ Liêm có đang “ưu ái” tạo điều kiện cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận – đứa “con cưng” của mình hoạt động bất chấp các quy định của pháp luật hay không?

Vỉa hè cũng được chủ đầu tư lấn chiếm để tập kết vật liệu xây dựng trước dự làm ngơ của các cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm

Trước hàng loạt những sai phạm về việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật An toàn lao động, Luật PCCC tại dự án thi công xây dựng trường THPT Mỹ Đình thì trách nhiệm của UBND quận Nam Từ Liêm đến đâu trong vấn đề này?  Vì sao với hàng loạt những sai phạm đó mà các cấp chính quyền quận Nam Từ Liêm lại có thể dễ dàng “nhắm mắt làm ngơ” nhằm tạo điều kiện cho chủ đầu có thể dễ dàng thoát được những “án phạt”?

Dư luận vẫn đang rất mong chờ và tiếp tục theo dõi lãnh đạo quận ủy, UBND quận Nam Từ Liêm liệu có “vùng cấm” trong việc xử lý vi phạm về môi trường, an toàn lao động, PCCC, xả thải, khai thác nước ngầm… đối với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm hay không?. Nhiều tháng qua, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm “rút ruột” bao nhiêu ngàn m3 nước ngầm, ai chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề này? Lãnh đạo UBND quận Nam Từ Liêm, Phòng Tài nguyên và Môi trường và các phòng ban liên quan có liên đới trong việc quy trách nhiệm công vụ hay không?

Kính đề nghị Thường trực quận ủy, UBND quận Nam Từ Liêm nhanh chóng chỉ đạo các phòng ban chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra, làm rõ và xử lý triệt để những sai phạm của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Nam Từ Liêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong những bài tiếp theo.

Thu Thủy – Hà Thu

Bài liên quan
  • Hưng Yên: Người dân khốn khổ vì ô nhiễm từ Nhà máy sản xuất bánh gạo One One
    Moitruong.net.vn – Cách UBND phường Bạch Sam khoảng 200 mét có một nhà máy hàng ngày xả khói thải đen sì, mùi khét lẹt ra môi trường khiến người dân sống xung quanh đây vô cùng bất an về sức khỏe và bức xúc vì môi trường sống bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương lại không hề hay biết về sự việc, thậm chí khi cùng phóng viên xuống thực tế thì ông Phạm Ngọc Chiến – Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Sam còn không biết nhà máy trên là của doanh nghiệp nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Nội: UBND quận Nam Từ Liêm có đang “dung túng” cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận thi công xây dựng bất chấp các quy định của pháp luật?
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.