Hà Nội: Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt

Lan Anh (T/h)|16/07/2019 02:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Hà Nội vừa thông qua mục tiêu khai thác hợp lý nguồn nước ngầm và nước mặt, ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, từng bước giảm dần khai thác nguồn nước ngầm.

Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của người dân Thủ đô, cả hai nguồn nước là nguồn nước mặt và nước ngầm đều được khai thác sử dụng. Tuy nhiên quy mô khai thác nước ngầm được giảm dần nhằm tăng cường sử dụng nguồn nước mặt.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, phạm vi điều chỉnh quy hoạch cấp nước lần này bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Hà Nội với tổng diện tích trên 3.550 km2 với mục tiêu rà soát, điều chỉnh quy hoạch cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn, qua đó xác định nhu cầu sử dụng nước sạch, điều chỉnh phương án phát triển hệ thống cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn theo mô hình cấp nước tập trung và phân tán.

Để quy hoạch cấp nước mới thực sự hiệu quả, cần rà soát các dự án cấp nước nông thôn đã triển khai nhưng không hiệu quả

Mục tiêu quy hoạch đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch đạt 100%, tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 95-100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90-100%. Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị trung tâm được sử dụng nước sạch là 100%; tỷ lệ dân cư đô thị vệ tinh đạt 100%, tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 90-100%. Giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2020 đạt dưới 15%.

Để đáp ứng nhu cầu dùng nước của thành phố Hà Nội giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2030, cả hai nguồn nước là nguồn nước mặt và nước ngầm đều được sử dụng. Tuy nhiên quy mô khai thác nước ngầm được giảm dần. Đến giai đoạn đến 2025, thành phố sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các trạm xử lý nước ngầm quy mô công suất quá nhỏ, hoạt động không hiệu quả và thay thế bằng nguồn nước mặt từ các nhà máy nước mặt công suất lớn.

Ngoài ra, giai đoạn đến năm 2030 sẽ dừng khai thác nước ngầm tại các nhà máy nước ngầm Tương Mai, Pháp Vân, Hạ Đình là nơi có chất lượng nguồn nước ngầm quá xấu (hàm lượng sắt, độ nhiễm bẩn hữu cơ, hàm lượn amoni rất lớn) dẫn đến chi phí sản xuất nước rất cao nếu như yêu cầu nước sau xử lý phải đạt chất lượng theo quy chuẩn.

Quy hoạch cũng điều chỉnh trong giai đoạn đến năm 2030 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung ở khu vực phía Nam Hà Nội. Giai đoạn đến năm 2050 dừng hẳn việc khai thác nước ngầm khu vực phía Tây Hà Nội. Quy mô khai thác nước ngầm tại các nhà máy tập trung tại khu vực trung tâm, khu vực phía Bắc, khu vực phía Đông Hà Nội giai đoạn 2020, 2030, 2050 giảm dần.

Các nhà máy nước ngầm giảm dần công suất và chuyển thành các trạm bơm tăng áp, nguồn nước dự phòng khi có nguồn nước mặt thay thế và dừng hoạt động từ giai đoạn 2050. Như vậy, nguồn nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống được quy hoạch làm nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước mặt quy mô công suất lớn.

Để đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước theo các giai đoạn của Thành phố với việc giảm dần quy mô khai thác nước ngầm của từng khu vực, lưu lượng khai thác các nguồn nước mặt cũng tăng dần theo các giai đoạn. Quy mô khai thác nguồn nước mặt sông Hồng giai đoạn quy hoạch đến 2030 để cấp cho các nhà máy nước sông Hồng là 300 nghìn m3/ngày, nhà máy nước Bắc Thăng Long là 150 nghìn m3/ngày, nhà máy nước Tiến Thịnh là 25 nghìn m3/ngày…

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, phương án quy hoạch sử dụng nguồn nước mặt vừa bảo đảm cấp nước an toàn cho Thành phố vừa bảo đảm việc khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách ổn định và bền vững.

Lan Anh (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Ưu tiên khai thác nguồn nước mặt