Thành phố Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội. Trong những năm gần đây, Hà Nội có tốc độ phát triển rất nhanh, từ đó các vấn đề môi trường cũng phát sinh theo, lượng rác thải ngày càng nhiều đổ bừa bãi ra hệ thống thoát nước. Trước những vấn đề đặt ra như vậy, việc cải tạo hệ thống thoát nước và quản lý môi trường nước ở thành phố Hà Nội càng trở nên cấp thiết, nhằm khắc phục tình trạng ngập úng và cải thiện môi trường, cảnh quan thiên nhiên góp phần vào phát triển bền vững của đất nước.
Mùa mưa năm 2021 đã đến gần. Trước tình trạng biến đổi khí hậu, dự báo thời tiết mùa mưa năm nay tiếp tục diễn biến khó lường. Để phòng, chống úng ngập, bảo đảm tiêu thoát nước, các đơn vị chức năng của thành phố Hà Nội đã chủ động xây dựng phương án và triển khai các giải pháp như tiến hành nạo vét hệ thống truyền dẫn, các trục tiêu thoát nước chính; sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, đập điều tiết…
Ảnh minh họa
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỉ đồng vào các dự án thoát nước. Trong đó, đáng chú ý là 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền hơn 19.000 tỷ đồng. Tại Hà Nội hiện nay có 906 trạm, nhà máy xử lý nước thải được vận hành. Trong đó, nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long – Vân Trì công suất thiết kế 38.000 m3/ngày đêm (đang vận hành với công suất 6.000 m3/ngày đêm). Hiện nay liên danh Phú Điền – SFC đang đề xuất đấu nối thu gom các nguồn nước thải khu vực xung quanh nhà máy, tăng công suất xử lý thêm 6.000 – 10.000m3/ngày đêm. Ngoài ra còn có trạm xử lý nước thải Kim Liên với công suất 3.700m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Trúc Bạch với công suất 2.300m3/ngày đêm; nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất thiết kế 200.000m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Bảy Mẫu công suất 13.300m3/ngày đêm; trạm xử lý nước thải Hồ Tây công suất 15.000m3/ngày đêm.
Vậy nên, chỉ một phần nhỏ lượng nước thải được xử lý (khoảng 23,2%), phần còn lại gần như không được xử lý, xả thẳng vào hệ thống thoát nước chung của thành phố. Để khắc phục tác động của biến đổi khí hậu và các hạn chế, yếu kém trong thực hiện công tác giảm ngập nước và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn, UBND Thành phố, Sở Xây dựng đã để ra nhiều giải pháp chỉ đạo thực hiện quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước Hà Nội đến năm 2030. Cụ thể, tăng cường công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước, xử lý việc lần chiếm, xâm hại hệ thống thoát nước. Đồng thời tập trung kiểm tra, xử lý tình trạng ngập nước do ảnh hưởng thi công của các dự án, góp phần làm giảm được một số điểm úng ngập và phần nào cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường nước trên địa bàn Thủ đô.
Trong đó, các khu vực nghiên cứu đầu tư ưu tiên đã được xác định trong giai đoạn từ 2021 – 2025 tập trung triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải theo quy hoạch thuộc khu vực đô thị trung tâm (vùng Tả Đáy) như: lưu vực Tả Nhệ, Hữu Nhuệ, Hà Đông, Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh.
Tập trung vào khu vực phát triển đô thị, các khu công nghiệp, các huyện trong đề án lên quận, khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như: Hoàn thiện hệ thống thoát nước, xử lý nước thải lưu vực Tô Lịch; Lưu vực Tả Nhuệ có diện tích khoảng 58km (gồm tiểu lưu vực Cổ Nhuế, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Nam Thăng Long và Ba Xã); Lưu vực Hữu Nhuệ; Lưu vực Hà Đông; Lưu vực Long Biên và Gia Lâm; Lưu vực Đông Anh; Lưu vực Sơn Tây.
Hiện nay, lượng bùn thải phát sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ công tác nạo vét duy trì hệ thống thoát nước, xử lý nước thải vào khoảng 1.000 tấn/ngày (bao gồm cả bùn thải từ nạo vét hồ Hoàn Kiếm) và dự kiến tăng lên 3.000 tấn/ngày năm 2030. Lượng bùn thải này được tập kết về bãi bùn thải Yên Sở và được xử lý hoàn toàn bằng hình thức chôn lấp. Việc xử lý bùn bằng phương pháp này vừa tốn diện tích bãi, đồng thời không giải quyết triệt để được tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, không tái sử dụng được bùn thải vào các mục đích khác. Mặt khác, bãi chôn lấp bùn thải Yên Sở chỉ có dung tích chứa khoảng 1.200.000 tấn, thời gian lấp đẩy khoảng 30 tháng do đó việc xây dựng biện pháp xử lý bùn theo công nghệ hiện đại trở thành yêu cầu vô cùng cấp bách.
Với những giải pháp thực tế mà Hà Nội đang triển khai, hy vọng công tác duy tu duy trì hệ thống thoát nước phòng chống ngập úng sẽ được cải thiện trước mùa mưa bão sắp tới.
Châu Anh