Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Sơn La, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt, diễn biến thời tiết phức tạp, cực đoan, liên tiếp xảy ra thiên tai bất thường và khó lường về cấp độ, tần suất. Đặc biệt, mưa đá xuất hiện ngay từ đầu năm, động đất, mưa lũ bất thường làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân, đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các huyện, thành phố đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng cảnh báo, tuyền truyền trong phòng chống và tích cực huy động các nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai; sắp xếp, ổn định sản xuất và đời sống dân cư những nơi xảy ra thiên tai.
Ảnh minh họa
Cụ thể, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện Thuận Châu, thiên tai đã làm 6 người chết, 13 người bị thương; hơn 1.600 ngôi nhà bị hư hỏng, sập đổ; hàng nghìn ha lúa ngô, rau màu, ao cá, chè, cà phê bị ngập úng, cuốn trôi; làm hư hỏng gần 1.000 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất, canh tác của nhân dân.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân địa phương, cuối năm 2020, huyện Thuận Châu đã khởi công xây dựng công trình kè phòng, chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội tại thị trấn Thuận Châu. Giai đoạn 1, công trình có chiều dài tuyến kè hơn 400m, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng với mục tiêu dẫn nước và thoát lũ trên suối Muội, đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, ngăn chặn sạt lở hai bên bờ suối.
Tuy nhiên, công tác tuyên truyền pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng chống thiên tai đến người dân còn hạn chế, chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao; việc quản lý quy hoạch, cấp phép đầu tư, xây dựng chưa quan tâm đến xử lý thoát nước mặt tiêu thủy; tình trạng vi phạm lấn chiếm dòng chảy để xây dựng nhà, công trình còn diễn ra nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời; việc thu, nộp quỹ phòng chống thiên tai tại một số huyện tỷ lệ còn thấp, chưa đảm bảo thời gian theo quy định…
Trước những diễn biễn phức tạp của các dạng thiên tai trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành, cơ quan đơn vị và các huyện, thành phố tập trung quán triệt, triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai. Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và toàn xã hội về công tác phòng ngừa, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai để giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Tổ chức rà soát, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin, phối hợp thực hiện nhiệm vụ; củng cố, duy trì và nâng cao năng lực hoạt động của Đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.
Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và lĩnh vực ngành. Tổ chức rà soát đánh giá chỗ ở an toàn cho người dân; rà soát các điểm dân cư, các khu vực trọng điểm thường xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động phòng tránh thiên tai, thực hiện di chuyển dân đến nơi an toàn kết hợp giữa phát triển kinh tế và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng, có biện pháp gia cố, tu sửa an toàn trước mùa mưa lũ; khẩn trương tổ chức thực hiện, hoàn thiện các dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, các công trình phòng chống thiên tai đặc biệt là các dự án đã phê duyệt chủ tương đầu tư đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ; đối với các dự án năm 2021 khẩn trương hoàn thiện trình phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
Tập trung nguồn lực đầu tư trang thiết bị phòng chống thiên tai; từng bước nâng cao năng lực, điều kiện làm việc của cơ quan thường trực PCTT&TKCN các cấp đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” của các 3 cấp, các ngành cụ thể, chi tiết, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng vùng, từng địa phương.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và toàn xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức phòng tránh thiên tai của nhân dân. Thường xuyên cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin dự báo, cảnh báo về diễn biến tình hình thiên tai, những hình thế thời tiết, thủy văn nguy hiểm, cấp độ và phạm vi ảnh hưởng các dạng thiên tai rà soát kịch bản, phương án huy động lực lượng, phương tiện ứng phó với thiên tai, sự cố, xử lý khẩn cấp công trình hồ đập xung yếu không đảm bảo an toàn; chỉ đạo vận hành hiệu quả hồ đập thủy điện, hệ thống truyền tải điện, hầm mỏ và các công trình… Đó là cơ sở để ứng phó kịp thời với thiên tai, mưa lũ có thể xảy ra, giảm thiệt hại thấp nhất và bảo đảm tính mạng của nhân dân.
Trọng Nhân