Hà Tĩnh: Khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó bão Podul

Ngọc Trâm|29/08/2019 09:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhằm giảm thiểu tối đa những thiệt hại do bão Podul gây ra, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đang tích cực triển khai các phương án phòng, chống và ứng phó với bão số 4.

VIDEO: Hà Tĩnh khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó bão Podul

Trước diễn biến phức tạp của bão Podul, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh đang tích cực triển khai các phương án ứng phó trước khi bão đổ bộ vào đất liền nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Sáng nay 29/8, Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Hà Tĩnh đã phát đi thông báo khẩn cấp về cơn bão số 4, hay còn gọi là bão Podul.

Thông báo ghi rõ: Vào hồi 04h ngày 29/8 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa, cách đất liền các tỉnh Nghệ An – Quảng Bình khoảng 680km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm bão mạnh cấp 9 (75 đến 90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.

Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Băc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 04 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão khoảng 18,2 độ vĩ Bắc, 107,3 độ Kinh Đông cách đất liền các tỉnh Nghệ An – Quảng Bình khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm bão mạnh cấp 9 – 10 (75 đến 100km/giờ), giật cấp 12. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 giật cấp 8 trở lên); Phía Bắc vĩ tuyến 15,0 độ vĩ Bắc.

Trong 24 đến 36h tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và đi vào các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8,9, giật cấp 11. Đến 16h ngày 30/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8(từ 60-75km/h), giật cấp 10.

Trong 36 đến 48h tiếp theo, bão vẫn di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành Áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất vùng gần trung tâm áp thấp giảm xuống cấp 6 (dưới 40km/giờ) .

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: Cấp độ 3

Cũng theo thông báo trên, dự báo từ đêm ngày 29 đến 31/8 Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to và dông (trong mưa cần đề phòng tố, lốc, sét), có gió mạnh dần lên cấp 5, cấp 6, sau tăng lên cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, biển động rất mạnh. Trên đất liền, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ do nghẽn dòng, lũ bùn, sạt lỡ đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến: 200 đến 400 mm, có nơi trên 400mm.

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ quét, sạt lỡ, tố, lốc: Cấp độ 1

Hiện PV chúng tôi đang có mặt tại vùng biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), là nơi tập trung nhiều tàu thuyền của ngư dân đánh cá, thời tiết đã bắt đầu có mưa, gió giật nhẹ, chính quyền và người dân ở đây đang gấp rút triển khai các công tác để ứng phó với con bão này.

Trao đổi với PV moitruong.net.vn ông Bùi Tuấn Sơn – Giám đốc Ban quản lý các cảng cá HàTĩnh cho biết “Đến 10h trưa nay, ngày 29/8 đã kêu gọi được 39 tàu ngoại tỉnh, 159 tàu nội tỉnh vào đến khu neo đậu an toàn. Hiện đang còn 17 tàu với 78 thuyền viên đã đặng ký chiều nay sẻ cập bờ”.

Huyện Lộc Hà, đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tuyến kênh C2, xã Hộ Độ, kè thôn Mai Lâm, công trình kè biển xã Thạch Kim và các vị trí xung yếu trên địa bàn. Hiện tại công trình kè biển tại xã Thạch Kim đang trong giai đoạn thi công các hạng mục, phí nhà thầu đang tập trung nhân lực và vật lực khẩn trương hoàn thiện và gia cố công trình tránh thiệt hại tối đa khi bão đổ bộ vào đất liền.

Một số hình ảnh ghi nhận về công tác ứng phó trước khi bão vào bờ.

Các đơn vị thi công tuyến kè biển tại xã Thạch Kim huyện lộc Hà đang gấp rút thi công, gia cố công trình trước khi bão vào.

Tàu thuyền của ngư dân vào neo đậu an toàn tại cảng Cửa Sót.

Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đang tích cực triển khai các phương án chống bão.

Người dân dùng tre nứa giằng néo lại nhà cửa.

Sử dụng các bao tải cát để chống gió tốc mái nhà

Tổ công tác của UBND huyện Lộc Hà do ông Phan Văn Nhàn Phó chủ tịch dẫn đầu đang kiểm tra vị trí kè ven biển.

Ngư dân đang tranh thu đóng gói và vận chuyển hàng tấn sò bi đã được khai thác tại cảng biển Cửa Sót trước khi bão đổ bộ.

Người dân đang đóng đất cát vào bao bì để gia cố nhà cửa tránh thiệt hại bởi gió bão.

Ngọc Trâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Khẩn trương thực hiện các biện pháp ứng phó bão Podul
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.