Hà Tĩnh: Lúa nảy mầm, người dân ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong

Ngọc Trâm|09/09/2019 00:27
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sau đợt mưa lớn nhiều địa phương của tỉnh Hà Tĩnh ngập trong biển nước, đặc biệt một số xã vùng hạ du thuộc các huyện Hương Khê, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc, TP Hà Tĩnh… ngập sâu,  nhiều diện tích lúa đang kỳ thu hoạch của người dân bị nhấn chìm trong dòng nước lũ.

Hiện tại, thời tiết đã không còn mưa, bầu trời hửng nắng, nhiều địa phương nước lũ đã rút, còn lại một số địa phương bị ngập sâu như: Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ… của huyện Hương Khê nước lũ đang rút dần. Chính quyền và nhân dân các địa phương đang tích cực khắc phục các hậu quả sau lũ lụt với phương châm “Nước rút đến đâu, khắc phục đến đó”.

Dù đã thu hoạch chạy lũ nhưng mưa gió không có nơi phơi phong, dẫn đến thóc mọc mầm

Mặc dù chính quyền các địa phương đã chỉ đạo cơ sở tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc bà con nhân dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa Hè Thu để hạn chế thấp nhất thiện hại do mưa lũ gây ra với chủ trương “xanh nhà hơn già đồng”. Tuy nhiên do mưa quá to, nước từ thượng nguồn đổ về ngày một lớn, nên bà con không kịp trở tay, Những ruộng lúa kịp thu hoạch trước mưa lũ nhưng lại không thể phơi phong dẫn đến tình trạng ẩm ướt lên mầm.

Tranh thủ nắng lên, người dân tận dụng sân bê tông của các hội quán mang lúa ra phơi

Theo thống kê về tình hình hình mưa lũ trên địa bàn và một số thiệt hại bước đầu của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Toàn tỉnh có  1.991ha lúa bị ngập úng (Hương Sơn: 152ha; Vũ Quang: 25ha; Can lộc: 684ha; Cẩm Xuyên: 133ha; Hương Khê: 900 ha; Thạch Hà: 97ha).

Ngay khi nước lũ bắt đầu rút dần, bà con nhân dân đã tranh thủ ra đồng thu hoạch với hi vọng tận thu số tài sản sau bao vất vã lam lũ mới làm nên. Tuy nhiên vì bị ngâm trong nước nên hầu như lúa của bà con đã bị nảy mầm ngay trên bông.

Hạt thóc nảy mầm, sau khi phơi nắng xép lẹp chỉ có thể xay để làm thức ăn cho gia súc, gia cầm

Có mặt tại cánh đồng lúa thuộc thôn 2 xã Thanh Lộc – huyện Can Lộc – Hà Tĩnh, chúng tôi chứng kiến khá nhiều diện tích lúa chưa được thu hoạch, nước còn ngập gần thân bông, đa số hạt lúa trên cánh đồng này đều bị nảy mầm dẫu người dân chưa gặt hái.

Trao đổi với PV Moitruong.net.vn, chị Hoàng Thị Phương một người dân tại thôn 2 xã Thanh Lộc – huyện Can Lộc – Hà Tĩnh cho biết “Mùa này như vậy là thất bát rồi chị ạ! Cả gia đình chúng tôi sinh sống chủ yếu dựa vào hạt lúa, đợt mưa lũ lần này đã nhấn chìm gần 1 mẫu lúa đến kỳ thu hoạch của gia đình tôi. Chị thấy đấy, hạt lúa sau khi thu hoạch về nảy mầm như thế này thì chỉ phơi khô làm thức ăn cho gà, vịt mà thôi”.

Thóc nảy mầm sau mưa lũ

Chị Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, xã Vượng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mặc dù lúa bị nảy mầm ngay ngoài đồng, nhưng tiếc công tiếc của quá nên tôi cũng chấp nhận thuê máy gặt về, nhìn mà xót quá cô ạ! Lúa mọc mầm hết rồi, trời nắng đem ra phơi ngoài sân hội quán thôn, tận dụng được hạt nào thì tận dụng, còn không đành làm thức ăn cho gia súc, gia cầm thôi”.

Tiếc công, tiếc của, người dân vẫn ra đồng thu hoạch những ruộng lúa dẫu năng suất không còn

Cũng tương tự hoàn cảnh của chị Mai, anh Bùi Văn Lợi thường trú tại Thị Trấn Nghèn, huyện Can Lộc cho biết: “Tôi còn mấy sào ruộng ngoài đồng chưa thu hoạch, hôm qua nước rút, ra thăm đồng thấy các hạt trên bông lúa nảy mầm hết rồi, chưa năm nào như năm này. Tới đây không biết lấy gì ăn cho mấy người trong gia đình”.

Nhưng ruộng lúa xơ xác sau mưa lũ

Bà Phạm Thị Phương 70 tuổi ở Thạch Trung – TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi già rồi nên chỉ làm có 2 sào ruộng thôi, sau lũ lụt thu hoạch về chỉ được mấy yến lúa nhưng đã lên mầm nên hạt thóc xép lẹp. Cái này chỉ có xay ra làm thức ăn nuôi gia cầm thôi chứ làm được gì?”.

Hạt nảy mầm ngay trên bông lúa ngoài đồng

Bà Phạm Thị Phương tranh thủ phơi phong mấy yến lúa mọc mầm của 2 sào ruộng mới thu hoạch

Sau mưa lũ, về nông nghiệp Hà Tĩnh không chỉ 1.991ha lúa bị ngập úng mà 269,5 ha hoa màu bị thiệt hại; 1.330ha bưởi (đặc sản của Hà Tĩnh) trên địa bàn huyện Hương Khê đã đến thời gian thu hoạch bị ảnh hưởng. Hiện nay các tổ chức chính trị, các cơ quan đoàn thể đặc biệt là Hội Nông dân, Tỉnh Đoàn, Mặt Trận tổ quốc, Công An tỉnh…. và các cá nhân đang tích cực kêu gọi giải cứu bưởi cho bà con.

Ngọc Trâm

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hà Tĩnh: Lúa nảy mầm, người dân ngậm ngùi nuốt nước mắt vào trong
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.