Đây chính là dịp nhằm giúp phụ huynh và học sinh, đặc biệt là những mầm non tương lai của đất nước hiểu được ý nghĩa của môi trường sống cũng như tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chung tay góp sức giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp bằng những hành động nhỏ bé nhưng vô cùng thiết thực.
Thay áo mới cho rác
Tại ngày hội này, các bạn đã khởi đầu chiến dịch bằng các hoạt động thu gom phân loại rác, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, trồng cây xanh để bảo vệ môi trường. Đây cũng chính là cách đơn giản để giáo dục trẻ quan tâm đến môi trường, dù là ở lớp, ở nhà hay ở bất kỳ đâu các con đều nâng cao ý thức trong việc quan tâm bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ nhất. Thông qua dịp này tạo cơ hội để trẻ nhận biết các đồ có thể tái chế; tìm hiểu và phân loại các đồ tái chế theo chất liệu: giấy, nhựa, thủy tinh, kim loại… nhận biết các vật có thể phân hủy và không phân hủy.
Túi vải không dệt phát cho phụ huynh sử dụng trong các góc bếp thay cho túi nilong
Đặc biệt, trong Ngày hội “Nói không với nhựa sử dụng 1 lần” các con còn được tìm hiểu về chiến dịch 3T: Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế. Từ đó cô và các con cũng cùng thảo luận và thực hiện những chiến dịch nhỏ như: Hạn chế sử dụng túi nilong, Đổi đồ cũ lấy quà… Qua đó giúp các con dần có ý thức về những hoạt động cộng đồng và ý thức để bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn học sinh phân loại rác
Trao đổi với PV Moitruong.net.vn Bà Nguyễn Thị Bích Hảo – Giám đốc điều hành hệ thống trường Mầm non Nguyễn Du Hà Tĩnh cho biết “Như chúng ta đã biết rác thải nhựa, túi nilon và nhựa sử dụng 1 lần tác đông rất lớn đến sức khỏe của con người đặc biệt là tầng lớp con trẻ. Hiện nay con người đang quá lạm dụng túi nilon và nhựa sử dụng 1 lần trong sinh hoạt vì tính tiện dụng của nó. Để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ngay từ bây giờ tất cả hệ thống trường mầm non cần được trang bị các loại túi vải không dệt sử dụng nhiều lần, hay các sản phẩm túi tự phân hủy… thói quen dùng sản phẩm thân thiện với môi trường được áp dụng cho giáo viên, đồng thời nhà trường nên tổ chức các điểm đổi rác lấy quà tại các trường học, quà ở đây là các túi vải không dệt cho các phụ huynh sử dụng khi đi chợ, mua bán thực phẩm….”
Với thông điệp “Tiết giảm – Tái sử dụng – Tái chế” ngày hội đã mang đến cho phụ huynh và học sinh những trải nghiệm thực tế, giáo dục các con quan tâm đến môi trường sống, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của cả cộng đồng, thực hiện lối sống xã hội hóa mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường. Qua ngày hội này đã truyền tải đến với các bạn nhỏ những thông điệp về việc cần thiết phải sử dụng đồ tái chế một cách hợp lý, hiệu quả, góp phần bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống.
Ngọc Trâm