(Moitruong.net.vn) – Sau một thời gian phát triển rầm rộ, nghề nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh đang đối mặt rất nhiều khó khăn. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, nguy cơ dịch bệnh đã và đang khiến người nuôi tôm lao đao và tác động xấu đến đời sống sản xuất của người dân.
California tổ chức Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu
Chiều nay, siêu bão Mangkhut tiến vào Biển Đông; Quảng Ninh, Hải Phòng ra công điện khẩn
Ống lộ thiên trực tiếp xả chất thải ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.
Hậu quả do vỡ quy hoạch
Từng được biết đến như một hình mẫu của việc áp dụng công nghệ nuôi tôm trên cát tại Hà Tĩnh với doanh thu bình quân 100 tỷ đồng/năm, thế nhưng, bước vào vụ nuôi 2018, giống như bao hộ nuôi tôm trên cát khác, không khí ở cơ sở nuôi tôm của Công ty TNHH Sao Đại Dương ở xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà) rất vắng vẻ, tĩnh lặng. Giám đốc công ty Nguyễn Thị Hạnh chỉ vào các ao nuôi bỏ trống và dàn máy sục đảo ô-xy nằm chỏng chơ, cạn đáy trên diện tích 120 ha cho biết: Bắt đầu từ năm 2016, nuôi tôm trên cát bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, diện tích và sản lượng nuôi ngày một teo tóp. Ngoài nỗi lo tôm rớt giá, người nuôi tôm luôn phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. Riêng sáu tháng đầu năm 2017, chúng tôi đã thua lỗ hơn 10 tỷ đồng do toàn bộ 20 triệu con giống thả nuôi được một thời gian ngắn thì bị chết. Từ đó đến nay, đơn vị chỉ đủ khả năng duy trì sản xuất khoảng 10% diện tích ao nuôi.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không riêng gì Công ty TNHH Sao Đại Dương, tất cả các cơ sở nuôi tôm trên cát tại xã Thạch Trị đều đang bỏ trống ao nuôi. Theo phản ánh của người nông dân, do mật độ ao nuôi được quy hoạch khá dày đặc cho nên việc kiểm soát ô nhiễm môi trường gặp rất nhiều trở ngại. Chỉ tính riêng đoạn bờ biển dài 500 m ở thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị có đến năm cơ sở nuôi tôm với diện tích 200 ha. Trong khi đó, hệ thống kênh mương cấp thoát nước ở đây chưa được quy hoạch chi tiết. Khi có hộ nuôi tôm bị dịch bệnh nước ao xả thẳng ra môi trường khiến các hộ khác bị “dính” theo. Vì vậy, lượng khuẩn gây ra bệnh gan tủy tại khu vực này luôn nằm ở ngưỡng cao nhất tỉnh.
Tại huyện Cẩm Xuyên, trong tổng số 119 ha diện tích đang được sử dụng để nuôi tôm trên cát của địa phương, có đến hơn 50 ha diện tích nuôi tôm ngoài quy hoạch. Đến nay, sau một vài vụ nuôi đầu cho hiệu quả kinh tế cao, hầu hết các hộ nuôi cũng đang điêu đứng theo tôm. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Dương (huyện Cẩm Xuyên) Đặng Trọng Thạch, ngoài yếu tố thị trường tiêu thụ, những yếu kém trong công tác vệ sinh môi trường đã và đang tác động ngược trở lại, buộc các hộ nuôi phải “treo” ao hoặc sản xuất cầm chừng. Qua kiểm tra cho thấy, phần lớn các hộ nuôi trên địa bàn không sử dụng ao lắng, xử lý nước, bùn thải mà xả lộ thiên, trực tiếp ra biển. Với điều kiện thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu tại các ao nuôi.
Cơ quan quản lý mất kiểm soát
Theo phản ánh của người dân sống ven biển xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà), hiện dự án nuôi tôm trên cát của Công ty cổ phần xây dựng Tiến Đạt có hai hệ thống xả thải ra biển. Một kênh xả thải trực tiếp nối liền từ khu vực nuôi tôm chạy thẳng ra tuyến đê gần rừng phi lao phòng hộ ven biển với chiều dài khoảng 200m. Ngoài ra, còn có một tuyến đường ống dài hàng trăm mét chôn lấp dưới lòng đất đang trực tiếp xả nước thải ra khu vực ven biển ở thôn Hồng Thịnh, xã Thịnh Lộc. Kết quả kiểm tra các mẫu nước cho thấy thông số môi trường thông thường trong nước xả thải từ hoạt động nuôi tôm của cơ sở này tăng 28,8 lần và vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo QCVN 02-09-2014/BNNPTNT hơn 10 lần. Ngày 25-7-2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty cổ phần xây dựng Tiến Đạt số tiền 435 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường. Điều đáng nói, theo Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Nguyễn Công Trình, đây không phải lần đầu cơ sở nuôi tôm trên cát này gây ra ô nhiễm môi trường. Năm 2017, cơ sở nuôi tôm của Công ty cổ phần xây dựng Tiến Đạt cũng từng bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh tiến hành xử phạt hành chính 65 triệu đồng vì xả chất thải bẩn trực tiếp ra môi trường.
Tương tự, những ngày qua, người dân xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan (huyện Nghi Xuân) hết sức bức xúc bởi cơ sở nuôi tôm trên cát của ông Nguyễn Viết Khánh cứ ngang nhiên xả thải bẩn trực tiếp ra biển, tác động xấu đến môi trường sống của người dân. Mặc dù, cơ sở nuôi này có quy mô 2,5 ha, nhưng toàn bộ khu vực nuôi không hề có hệ thống xử lý nước thải. Tất cả nguồn nước xả thải của các hồ nuôi tôm dồn lại phía cuối một con mương rồi theo mương nước chạy thẳng ra biển. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi dễ dàng phát hiện một dòng kênh đen sì, đặc quánh, bốc mùi hôi thối được nối liền từ các hồ nuôi tôm với ruộng lúa của người dân và chảy thông ra biển.
Theo chia sẻ của Chi cục trưởng Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng, là địa phương thực hiện việc quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát muộn hơn so các địa phương khác, nên rút kinh nghiệm, Hà Tĩnh đã tính toán rất kỹ đến những tác động môi trường có thể xảy ra. Theo đó, tất cả những cơ sở nuôi phải thực hiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án tại nhiều trang trại nuôi tôm không tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường chung quanh và hiệu quả nuôi tôm trên cát.
Lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh) thừa nhận, vì nhiều lý do khác nhau, thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở nuôi tôm ven biển chưa được triển khai kịp thời, thường xuyên. Vì vậy, ý thức tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của những cơ sở nuôi còn hạn chế.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đan Phan Trọng Tri cho biết, cơ sở nuôi tôm trên cát của ông Nguyễn Viết Khánh ở xóm Bình Phúc không bảo đảm vệ sinh môi trường nhiều năm nay, chính quyền địa phương đã báo cáo với huyện và các ngành chức năng về kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm, nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nghi Xuân Lê Hữu Phong khi trao đổi với chúng tôi lại “đá quả bóng” trách nhiệm quản lý cho chính quyền cấp xã: Về công tác quản lý, phòng đã lập biên bản, tham mưu cho huyện và huyện đã giao trách nhiệm cho xã. Xã có nhiệm vụ xử lý, giám sát, báo cáo thường xuyên lên huyện nhưng chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Ngô Tuấn/Nhân Dân