Cụ thể, vào các ngày từ 17 đến 18/11, rất nhiều hộ dân sinh sống tại quận Kiến An, TP Hải Phòng đã phát hiện nước máy sinh hoạt hàng ngày có vị không bình thường, độ mặn dường như khá cao.
Thông tin này cũng được chia sẻ lên mạng xã hội khiến dư luận đặt dấu hỏi về chất lượng nước máy cung cấp cho người dân và quan ngại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trước thực trạng trên, Bệnh viện Kiến An ngày 18/11 cũng đã có thông báo dừng cung cấp nước uống tại các cây lọc nước cho tới khi nguồn được đảm bảo. Thông báo này dựa trên kết quả chỉ số TDS (tổng lượng chất rắn hòa tan gồm khoáng chất, muối và kim loại) vượt mức quy định khi bệnh viện tiến hành kiểm tra các cây lọc nước sử dụng cho người bệnh tại các khoa.
Cụ thể, trong hai ngày 17 và 18/11, hàm lượng muối trong nguồn nước sông Đa Độ tăng cao, dẫn đến nguồn nước do Nhà máy nước Cầu Nguyệt và Nhà máy nước Hưng Đạo cấp cho người dân bị tăng độ mặn. Các hộ dân có nguồn nước bị ảnh hưởng thuộc các quận Kiến An, Dương Kinh, Đồ Sơn và một số xã thuộc các huyện An Lão, Kiến Thụy.
Cũng theo báo cáo từ Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, chất lượng nước vẫn đảm bảo cho việc ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, do độ mặn tăng cao khiến nước có vị ngang so với bình thường, gây phàn nàn trong khách hàng, đặc biệt các khách hàng sử dụng nước để sản xuất công nghiệp có yêu cầu cao về tổng lượng muối.
Nhà máy nước Cầu Nguyệt, nơi nguồn nước sản xuất có độ mặn khá cao khiến người dân hoang mang. Ảnh: Dân Trí
Để đảm bảo chất lượng nước phục vụ sinh hoạt, Công ty hạn chế việc cấp nước từ Nhà máy nước Cầu Nguyệt, bổ sung nước cấp từ Nhà máy nước An Dương sang khu vực quận Kiến An. Tuy nhiên, việc này chỉ giải quyết được một phần của quận Kiến An khu vực tiếp giáp với trung tâm thành phố.
Hiện, Công ty đang tích cực phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Đa Độ thay đổi nguồn nước để kiểm soát độ mặn, dự kiến nước sẽ trở về mức bình thường trong vài ngày tới.
Song song với đó, Công ty cũng đề nghị các Công ty Kỹ thuật công trình thủy lợi có biện pháp điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống thủy lợi từ các cống đầu nguồn đến các cống ngang dưới đê. Đồng thời, trang bị thêm các thiết bị đo kiểm soát độ mặn phù hợp để tăng cường việc kiểm soát chỉ tiêu độ mặn theo Quy chuẩn.
Cũng theo Công ty Cổ phần Cấp nước Hải Phòng, thời gian vừa qua, độ mặn của nước thô trong hệ thống An Kim Hải, kênh Chanh Dương và đặc biệt là sông Đa Độ tăng cao đột biến so với năm 2018 và những năm trước đây.
Qua kiểm tra, nước thô có độ mặn tăng cao là do bị nhiễm mặn từ nguồn nước bổ cập. Việc bị nhiễm mặn là một hiện tượng xảy ra theo chu kỳ, nhưng hiện nay tần xuất đang có chiều hướng gia tăng, thời gian giữa các lần xuất hiện ngày càng rút ngắn.
Đây cũng được coi là hiện tượng bất thường của việc xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp…
Ngọc Linh (t/h)