Hải Phòng ưu tiên thực hiện 8 dự án xử lý nước thải
Theo đề xuất của Sở Xây dựng Hải Phòng, giai đoạn 2025-2030, Hải Phòng cần ưu tiên thực hiện 8 dự án xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải với tổng mức đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng.
Trước tình trạng phần lớn nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp tại các làng nghề, cụm công nghiệp chưa được xử lý, trong khi nhiều dự án xử lý nước thải chậm triển khai, Sở Xây dựng Hải Phòng đề xuất thực hiện quy hoạch xử lý nước thải thành 7 khu vực, trong đó, sẽ ưu tiên triển khai 8 dự án xử lý nước thải quan trọng với tổng mức đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng để ngăn ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Hơn 90% nước thải sinh hoạt chưa được xử lý chảy ra sông ngòi
Theo Sở Xây dựng TP. Hải Phòng, hết năm 2024, toàn thành phố mới có 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đi vào hoạt động. Trong số này, có 6 nhà máy nằm tại khu vực ngoại thành gồm Nhà máy xử lý nước thải Minh Đức (TP. Thuỷ Nguyên), Nhà máy xử lý nước thải Khe Sâu (quận Đồ Sơn), Nhà máy xử lý nước thải Tiên Lãng (Thị trấn Tiên Lãng) và các nhà máy xử lý nước thái Cát Bà, Tùng Dinh 1, Tùng Dinh 2 (tại đảo Cát Bà, huyện Cát Hải).

Tại khu vực đô thị mới chỉ có 2 nhà máy là Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm (quận Lê Chân), Nhà máy xử lý nước thải Him Lam (quận Hồng Bàng). Tuy nhiên, chỉ có Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm công suất 36.000 m3/ngày xử lý nước thải sinh hoạt cho cộng đồng chung. Còn Nhà máy xử lý nước thái Him Lam chỉ xử lý nước thải cho khu đô thị Him Lam. Ngoài ra, còn một nhà máy đang được xây dựng là Nhà máy xử lý nước thải Bắc sông Cấm (Khu đô thị mới Bắc sông Cấm, TP. Thuỷ Nguyên).
Hệ thống mạng lưới cống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt cũng chưa được đầu tư nhiều, Hải Phòng mới có khoảng 70 km cống trục chính (cống cấp 1, cấp 2) và 192,5 km cống cấp 3 đảm nhận thu gom nước thải sinh hoạt đưa về nhà máy xử lý. Còn lại, toàn bộ nước thải sinh hoạt được xử lý tại bể tự hoại trước khi thu gom trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung rồi thải ra các sông chính trên địa bàn.
Nước thải công nghiệp mới chỉ có các khu công nghiệp, cụm công nghiệp Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), làng nghề Tràng Minh (quận Kiến An) là có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy định. Còn hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề và một số nhà máy, xí nghiệp nằm xen kẽ trong đô thị đều không có trạm xử lý nước thải, nước thải được thải chung vào hệ thống nước thải thành phố trước khi thải ra ngoài môi trường.
Theo Xây dựng TP. Hải Phòng, do toàn thành phố mới có chưa đến 10% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý, phần lớn nước thải sinh hoạt không qua xử lý được thải ra hệ thống kênh, mương, hồ điều hoà trước khi đổ ra sông (sông Lạch Tray, sông Cấm, sông Tam Bạc) đã khiến những dòng sông ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hướng đến sức khoẻ cộng đồng và môi trường.
7/10 nhà máy xử lý nước thải chưa triển khai thủ tục đầu tư xây dựng
Từ năm 2018, Hải Phòng đã có quyết định 626/QĐ - UBND về quy hoạch, kế hoạch xử lý nước thải cho thành phố Hải Phòng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hải Phòng dự báo đến năm 2025, lượng nước thải phát sinh hơn 756.000 m3/ngày đêm cần phải xử lý, đến năm 2050, lượng nước thải phát sinh hơn 1.675.000 m3/ngày đêm cần được xử lý.
Để xử lý triệt để nguồn chất thải nguy hại trước khi xả thải ra môi trường số nước thải kể trên, Hải Phòng đã phân vùng quy hoạch xử lý nước thải sinh hoạt thành 4 khu vực xử lý nước thải và công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để thu gom về nhà máy xử lý nước thải. Các khu vực xử lý nước thải gồm khu vực đô thị trung tâm, khu vực đô thị vệ tinh, khu vực xử lý nước thải công nghiệp và nước thải y tế, khu vực nước thải nông thôn.
Theo quy hoạch được duyệt, giai đoạn 2016-2025, Hải Phòng sẽ ưu tiên thực hiện tới 10 dự án xây dựng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại khu vực đô thị và 1 dự án xây dựng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị vệ tinh, các thị trấn. Các dự án tại khu vực đô thị gồm mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại khu vực Hồ Đông, Tràng Cát, Nam Tràng Cát (quận Hải An), Đa Phúc (quận Dương Kinh), Vạn Hương (quận Đồ Sơn), Hoàng Mai (Quận An Dương), Bắc sông Cấm 2, VSIP, Vũ Yên (TP. Thuỷ Nguyên), Cát Hải (huyện đảo Cát Hải).
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng, đến nay mới có mạng lưới thu gom và xây dựng nhà máy xử lý nước thải Vũ Yên đang được triển khai xây dựng. 2 dự án xây dựng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại Tràng Cát, Cát Hải đang triển khai các thủ tục xây dựng. 7 dự án xây dựng mạng lưới thu gom và nhà máy xử lý nước thải còn lại vẫn chưa được triển khai thủ tục đầu tư.
Tương tự, dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại 12 thị trấn, thị tứ thì mới có hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tại các thị trấn Minh Đức (huyện Thuỷ Nguyên, nay là phường Minh Đức, TP. Thuỷ Nguyên), thị trấn Tiên Lãng (huyện Tiên Lãng) và các nhà máy xử lý nước thải Tùng Dinh 1, Tùng Dinh 2 (thị trấn Cát Bà, huyện đảo Cát Hải) được xây dựng. Hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải tại 9 thị trấn, thị tứ còn lại đến nay vẫn chưa được triển khai.
Quy hoạch 7 phân khu xử lý nước thải
Theo Sở Xây dựng, đến nay, dân số Hải Phòng đã có sự gia tăng mạnh mẽ, dự kiến đến năm 2030, dân số Hải Phòng sẽ đạt khoảng 2,8 – 3 triệu người, trong đó, dân số đô thị sẽ đạt từ 2 - 2,2 triệu người. Vì vậy, Hải Phòng cần điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải cho phù hợp tình hình mới.
Theo đó, Hải Phòng sẽ hình thành 7 phân khu xử lý nước thải. Trong đó, phân khu đô thị cũ gồm các quân Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền sẽ đầu tư xây dựng thêm hệ thống thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm, đồng thời nâng cấp công suất nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm từ 36.000 m3 lên 72.000 m3/ngày đêm.
Phân khu đô thị gồm địa bàn các quận Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện Kiến Thuỵ và một phần quận Ngô Quyền sẽ xây dựng hệ thống thu gom và 7 nhà máy xử lý nước thải tại các khu vực Hồ Đông, Tràng Cát (quận Hải An), quán Trữ (quận Kiến An), Đông Nam (quận Dương Kinh), Đông Nam 2, Vạn Bún (quận Đồ Sơn), Cổ Tiểu (huyện Kiến Thuỵ).
Giai đoạn đến năm 2030, xây dựng hệ thống thu gom và các nhà máy xử lý nước thải Hồ Đông, Tràng Cát, Quán Trữ, Đông Nam, Vạn Bún (công suất thiết kế 132.700 m3/ngày đêm). Giai đoạn đến năm 2040 sẽ mở rộng cộng suất các nhà mày này và xây dựng thêm nhà máy xử lý nước thải Đông Nam 2 để hệ thống thu gom, xử lý nước thải của phân khu này đạt 185.200 m3/ngày đêm.
Phân khu thành phố Thuỷ Nguyên sẽ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và 12 nhà máy, trạm xử lý nước thải. Tại phân khu An Dương – An Lão, phân khu Vĩnh Bảo – Tiên Lãng và phân Cát Bà – Bạch Long Vĩ cũng được đề xuất quy hoạch tổng cộng tới 52 hệ thống thu gom, nhà máy, trạm xử lý nước thải.
Ưu tiên 8 dự án với tổng mức đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng
Theo đề xuất của Sở Xây dựng, giai đoạn 2025-2030, Hải Phòng cần ưu tiên thực hiện 8 dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Thứ Nhất là dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải Quán Trữ với tổng mức đầu tư 2.187 tỷ đồng để xử lý ô nhiễm môi trường nước cho quận Kiến An và hành lang sông Lạch Tray.
Thứ Hai là dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử nước thải Hồ Đông với tổng mức đầu tư 1.413 tỷ đồng để góp phần phủ kín việc xử lý nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu đô thị trung tâm.
Thứ Ba là dự án xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực An Dương thuộc Dự án phát triển thành phố Hải Phòng thích ứng biến đổi khí hậu có tổng mức đầu tư 1.018 tỷ đồng để đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho đô thị trung tâm.
Thứ Tư là dự án nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm có tổng mức đầu tư 1.338 tỷ đồng để nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm nhằm xử lý nước thải cho vùng đô thị trung tâm, đô thị lịch sử cũ.
Thứ Năm là dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải Đông Nam với tổng mức đầu tư 976 tỷ đồng để xử lý nước thải tại khu vực quận Dương Kinh, nơi đang có tốc độ đô thị tăng cao.
Thứ Sáu là dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải Bắc sông Cấm 2 với tổng mức đầu tư 848 tỷ đồng để xử lý nước thải cho Khu đô thị mới Bắc sông Cấm nơi có Trung tâm Hành chính – Chính trị với tốc độ đô thị hoá nhanh nhất Hải Phòng.
Thứ Bảy là dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Cổ Tiểu với tổng mức đầu tư dự kiến 609 tỷ đồng để thu gom nước thải dọc 2 bờ sông Đa Độ nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước mặt, đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho các đô thị phía Nam Hải Phòng.
Thứ Tám là dự án đàu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải Cát Hải với tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng để xử lý nước thải Khu du lịch Cát Bà, bảo vệ môi trường vùng bảo tồn thiên nhiên Cát Bà.