Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL - Bài 1: Những tác động khách quan

Lam Trinh |11/04/2024 20:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Được bồi tích từ vịnh biển nông và phù sa sông, Đồng bằng sông Cửu Long giống như vựa lúa và cây trái của cả nước, song những năm gần đây, vùng đất này luôn chịu cảnh hạn mặn khốc liệt về mùa khô trong khi mùa lũ cũng vơi dần. Biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy của sông và nước biển dâng,...đang là thách thức đòi hỏi một quyết sách lâu dài cho cuộc sống của gần hai chục triệu người dân nơi đây.

Từ đầu năm đến nay, tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tiếp xảy ra các đợt xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng tới sản xuất và cuộc sống của người dân, đặc biệt là những vùng khó khăn về nguồn nước. Trước nguy cơ nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn còn tiếp diễn (theo dự báo của cơ quan chức năng có thể còn 3 đợt xâm nhập mặn nữa), các tỉnh thuộc ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho người dân nhất là khu vực gặp khó khăn về nguồn nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế mang tính tháo gỡ chứ chưa phải căn cơ, lâu dài.

Vùng đất thích hợp phát triển nông nghiệp

ĐBSCL là hạ du vùng châu thổ của sông Mê Kông- con sông bắt nguồn từ vùng núi Tây Tạng, chảy qua 6 quốc gia (Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Camphuchia và Việt Nam). Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh, thành phố, có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 4 triệu ha, dân số khoảng 18 triệu người với 85% số dân số sinh sống dựa vào sản xuất nông nghiệp.

11-dbscl1.jpg
Nghị quyết số 5 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long thống nhất đến năm 2030, phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững

Do được hình thành từ bồi tích vịnh biển nông và bồi đắp của phù sa sông nên địa hình tự nhiên của ĐBSCL có địa thế cao ở ven sông và thấp dần vào nội vùng (ở xa sông). Cụ thể, cao độ của thềm phù sa cổ dọc biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 2 ÷ 5 m; các gò tự nhiên dọc sông Tiền, sông Hậu, giồng cát ven biển từ 1 ÷ 3 m và vùng trũng trong nội địa có cao độ từ 0 ÷ 1,5 m.

Về thổ nhưỡng, đất phù sa sông, phân bổ chủ yếu ở vùng ven và giữa hai sông Tiền và sông Hậu, tổng diện tích khoảng 1,18 triệu ha, chiếm hơn 30% diện tích ĐBSCL; đất phèn, tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng Tháp Mười (Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An), Tứ Giác Long Xuyên (An Giang, Kiên Giang) và bán đảo Cà Mau (Cà Mau, Kiên Giang), tổng diện tích khoảng 1,6 triệu ha, chiếm 40,6 %; đất nhiễm mặn phân bố ở vùng ven biển, có tổng diện tích khoảng 0,76 triệu ha, chiếm gần 19%. Ngoài ra, có khoảng 24.000 ha diện tích đất than bùn ở vùng rừng U Minh (Kiên Giang, Cà Mau) và gần 135.000 ha diện tích đất xám phân bổ dọc biên giới Việt Nam – Campuchia (thuộc tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang và tỉnh Kiên Giang).

Về khí tượng, thủy văn, ĐBSCL thuộc khu vực nhiệt đới ẩm, gió mùa cận xích đạo, có nhiều nắng, nền nhiệt độ cao. Tổng lượng mưa cả năm phổ biến từ 1.600 ÷ 1.800 mm, phân 2 mùa tương đối rõ rệt là mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 với lượng mưa chiếm từ 80 ÷ 95% tổng lượng mưa cả năm, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4, lượng mưa từ 5 ÷ 20%. Tương tự phân bố mưa, dòng chảy trên các sông phân bố theo 2 mùa, là mùa lũ và mùa kiệt, mùa lũ có tổng lượng dòng chảy chiếm khoảng 70 ÷ 80% tổng lượng dòng chảy cả năm.

Về hệ thống sông, rạch tự nhiên ở ĐBSCL, ngoài 2 nhánh chính là sông Tiền, sông Hậu, các cửa ra biển và sông nối Vàm Nao thuộc hệ thống sông Mê Kông, còn có 2 hệ thống sông quốc tế khác là Vàm Cỏ (gồm Vàm Cỏ Đông-Vàm Cỏ Tây), Giang Thành và các hệ thống sông nội địa là Cái Lớn-Cái Bé, Mỹ Thanh, Gành Hào, Ông Đốc, Bảy Háp...Dọc theo sông Tiền và sông Hậu còn có nhiều sông rạch lớn, nhỏ dẫn nước vào nội đồng, tuy ít nhiều đã bị biến dạng và dần mất đi tính tự nhiên do hoạt động của con người, nhưng vẫn còn nhiều nét đặc trưng của tự nhiên vốn có, như các rạch: Hồng Ngự, Cần Lố, Ruộng, Cả Nai, Măng Thít, Cần Chông, Ô Môn, Cần Thơ,.... Đặc điểm các sông rạch này là có cửa vào lớn, sâu nhưng thu hẹp rất nhanh khi vào nội đồng.

Ngoài ra, dọc biên giới Việt Nam-Campuchia, có sông Châu Đốc bắt nguồn từ Campuchia (có tên là Preek Ambel), chạy song song rồi nối với sông Hậu tại Châu Đốc và sông Sở Thượng - Sở Hạ chảy dọc theo biên giới ở vùng Đồng Tháp Mười, là hạ lưu của 2 con sông Stung Slot và Prek Trabek từ Campuchia.

Vùng sinh thái ở ĐBSCL được phân chia làm 3 vùng: vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển trong đó vùng Thượng bao gồm tỉnh An Giang và một phần địa phận 05 tỉnh/thành phố là Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Đây là vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập lũ, có nguồn nước dồi dào, cơ bản không chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn; tuy nhiên, vào những năm dòng chảy kém, mực nước trong sông, kênh thấp, gây khó khăn cho việc tưới tự chảy và chuyển nước đến một số khu vực xa sông Tiền và sông Hậu (thuộc các tỉnh Kiên Giang và Long An), gây tình trạng thiếu nước. Sản xuất nông nghiệp chủ lực trong vùng chủ yếu trồng lúa, rau màu và NTTS nước ngọt.

Vùng Giữa gồm các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long và 1 phần 9 tỉnh/thành phố là Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Bạc Liêu và TP. Cần Thơ. Đây là vùng chịu tác động mạnh bởi thủy triều, nguồn nước trên sông luân phiên mặn - ngọt, các khu vực được kiểm soát xâm nhập mặn bằng các hệ thống thủy lợi nguồn nước chủ yếu là nước ngọt. Đây là vùng tập trung trồng cây ăn quả (chiếm gần 90% diện tích cây ăn quả ở ĐBSCL), dễ bị tổn thương bởi hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, úng.

Vùng Ven biển gồm 8 tỉnh là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Đây là vùng tiếp giáp với vùng Giữa và biển. Địa hình trong vùng có cao độ hỗn hợp, các khu vực trầm tích biển - đầm lầy hoặc đầm lầy có địa hình thấp hơn +1,0 chiếm tới 89%. Hệ sinh thái hoàn toàn không ảnh hưởng bởi ngập lũ, xa nguồn nước ngọt từ sông Mê Công, chịu tác động mạnh bởi triều cường và các tác động từ biển. Sản xuất chính trong vùng ven biển là nuôi trồn thủy sản nước mặn, nước lợ với hai hình thức nuôi chính là thâm canh và luân canh tôm - lúa.

Nhìn chung, ĐBSCL có điều kiện tự nhiên lợi thế cho sản xuất nông nghiệp, bao gồm nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái và trồng lúa,... Sản lượng nông nghiệp hiện nay đang chiếm tỷ trọng đa số về xuất khẩu so với các vùng, miền khác trên cả nước. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đối diện nhiều thách thức, đã và đang làm cho công tác thủy lợi nói chung và các công trình thủy lợi nói riêng không đáp ứng được các yêu cầu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hiện tại và sẽ càng kém hiệu quả trong tương lai.

Những tác động khách quan

ĐBSCL có vị trí nằm cuối nguồn sông Mê Công nên các hoạt khai thác ở thượng lưu như: xây dựng đập, hồ chứa, tăng diện tích tưới, chuyển nước ra khỏi lưu vực và các hình thức thay đổi sử dụng đất khác đang phát triển theo hướng bất lợi, làm biến động dòng chảy về đồng bằng cả trong mùa mưa và mùa khô, có tác động mạnh mẽ đến nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên đồng bằng.

Các nghiên cứu cho thấy, trong 30 năm qua, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm, đỉnh triều tăng nhiều hơn chân triều, dẫn đến năng lượng dòng triều tăng, làm cho diện tích bị ngập triều và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng.

11-dbscl.jpeg
Khu vực thuộc tỉnh Hậu Giang, ĐBSCL

Theo số liệu của Ủy hội sông Mê Công Quốc tế, trước năm 2012, tác động từ thượng nguồn đến ĐBSCL cơ bản tương đương với tự nhiên. Tổng số hồ chứa trên lưu vực hiện tại là 74 hồ (Trung Quốc 6, Thái Lan 7, Lào 45, Campuchia 2, Việt Nam 14). Dự kiến, số lượng hồ chứa sẽ xây dựng trên toàn lưu vực đến năm 2030 là 146 hồ và đến giai đoạn năm 2040-2060 là 168 hồ. Tổng dung tích hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Mê Công đã tăng từ 15 tỷ m3 năm 2001 lên 30 tỷ m3 năm 2011 và năm 2018 là 49 tỷ m3.

Dự kiến đến năm 2030, dung tích hồ chứa nước ở thượng nguồn sông Mê Công sẽ là 95 tỷ m3 và giai đoạn 2040-2060 là 110 tỷ m3. Các công trình thủy điện trên thượng nguồn đã điều tiết dòng chảy, tác động đến nước về Đồng bằng trong cả mùa lũ và mùa kiệt, làm lưu lượng dòng chảy trung bình mùa lũ giảm.

Thực tế cho thấy một số năm gần đây, do ảnh hưởng của việc tích nước của các hồ chứa nên số trận lũ lớn giảm so với trước kia (mực nước đỉnh lũ tại Tân Châu vượt 4,5m), chủ yếu xuất hiện lũ vừa và lũ nhỏ (chiếm đến khoảng 99%). Quy luật lũ cũng thay đổi, lũ có xu hướng đến muộn hơn so với trước đây, lũ đầu vụ (tháng 7, 8) suy giảm.

Việc thay đổi quy luật lũ dẫn đến việc thiếu nước cho sản xuất ở thời gian đầu, lũ chính vụ đến muộn thường trùng với các kỳ triều cường lớn vào cuối năm (tháng 10, 11) nên lũ thoát chậm hơn và gia tăng tình trạng ngập lũ vùng Ven biển (do triều cường kết hợp lũ thượng nguồn).

Nhìn chung, lũ đã bị giảm tính tự nhiên do tác động của vận hành hồ chứa ở thượng nguồn, gây khó khăn cho việc dự báo; đồng thời, cũng tiềm ẩn nguy cơ lũ cao bất thường nếu xảy ra sự cố hồ chứa hoặc xả lũ đồng loạt.

Những năm xuất hiện lũ trung bình và lũ nhỏ ở thượng nguồn thì ĐBSCL sẽ gần như không còn lũ; lưu lượng dòng chảy trung bình mùa kiệt tăng, mùa kiệt sẽ đến sớm hơn với dòng chảy phụ thuộc nhiều vào chế độ vận hành các hồ chứa phía thượng nguồn.

Theo Nghiên cứu của MRC 2017, kế hoạch cung cấp nước tưới tiêu của các nước thượng nguồn sông Cửu Long (Campuchia, Lào, Thái Lan) đến năm 2040 sẽ là mở rộng, diện tích tăng khoảng gần 37% so với hiện tại (từ 2.247.630 ha lên 3.608.471 ha). Sự phát triển kinh tế và đô thị hóa ở thượng nguồn sẽ làm gia tăng nhu cầu dùng nước. Bên cạnh đó, diện tích rừng trong lưu vực đang suy giảm (đã giảm 15% trong 20 năm qua và còn tiếp tục suy giảm). Các tác động này sẽ góp phần làm suy giảm dòng chảy kiệt về hạ lưu.

Với lưu lượng nước về bình quân mùa lũ giảm, dòng chảy trong sông sẽ yếu dần, dòng triều sẽ thắng thế và tác động ngày càng mạnh lên. Việc san lấp các vùng trũng và hệ thông cống ngăn mặn ở đầu các kênh vùng cửa sông làm biên độ triều tăng (đỉnh triều tăng, chân triều giảm), dẫn đến năng lượng dòng triều gia tăng, thời gian truyền triều từ biển vào rút ngắn, mức nước đỉnh triều cao dẫn đến diện tích bị ngập triều gia tăng, xói lở bờ nhiều hơn và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt.

Dòng chảy yếu sẽ dẫn đến sự sụt giảm khoảng 75% hàm lượng phù sa về Đồng bằng, đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra xói lở nghiêm trọng bờ sông, ven biển. Nếu như năm 1990, khi sông Cửu Long đưa được 160 triệu tấn phù sa ra biển thì vào năm 2015, số lượng chỉ còn 75 triệu tấn, giảm hơn phân nửa. Tuy nhiên, lượng phù sa đã bị giảm này dù ra đến gần biển cũng bị trút bớt vì con người khai thác sỏi cát ở các lòng sông, cửa biển, dùng vào các công trình xây cất, gây thiệt hại trầm trọng đến viễn cảnh sống còn của vùng đồng bằng.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ làm mực nước biển dâng lên. Nếu dâng 1m thì 20% đồng bằng châu thổ sẽ bị đe dọa. Dâng 2m diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị xóa còn phân nửa, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống 15 triệu dân.

Việc khai thác Biển Hồ ở Campuchia là vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm. Hiện tại, Biển Hồ có dung tích trữ nước dao động từ 2-80 tỷ m3, có vai trò quan trọng tạo ra mùa nước nổi và làm hài hòa chế độ dòng chảy ở hạ lưu. Với ý tưởng xây dựng công trình điều tiết trên sông Tonle Sap nhằm chống lũ lớn và dâng cao mực nước kiệt trong Biển Hồ sẽ làm thay đổi lớn chế độ dòng chảy về hạ du. Vì vậy, một kịch bản nghiên cứu trạng thái cực đoan về dòng chảy lũ và dòng chảy kiệt khi có công trình trên sông Tonle Sap kiểm soát Biển Hồ là cần thiết để giúp chủ động thích ứng.

Những tác động từ suy giảm diện tích rừng, BĐKH, sự gia tăng nhu cầu nước ở các nước thượng nguồn và vấn đề quản lý hồ thủy điện sẽ tiềm ẩn nguy cơ làm xuất hiện lũ cực đoan lớn trên sông Mê Công (gia tăng nguy cơ khoảng 10% vào năm 2030 và 15% đến năm 2050), dòng chảy kiệt có thể suy giảm khoảng 10% vào năm 2030 và 20% vào năm 2050. Tác động này sẽ là nguyên nhân gia tăng đỉnh lũ lớn và xâm nhập mặn cực đoan ở ĐBSCL. Việc thiết lập một cân bằng mới cho sông hệ thống Cửu Long sẽ cần nhiều thời gian hơn so với quy luật tự nhiên khi nó đang chịu tác động lớn từ chế độ vận hành của các hồ chứa thượng nguồn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL - Bài 1: Những tác động khách quan