Hạn mặn ở Bến Tre và giải pháp tình thế đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân

Mai Hạ|10/04/2024 19:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Xâm nhập mặn ở Bến Tre đang diễn ra khốc liệt, gây nên tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng lĩnh vực cấp nước sinh hoạt, mặn xâm nhập sâu ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy làm khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh có nguy cơ thiếu nước.

Hàng ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng vì xâm nhập mặn

Hiện nay, tình hình khô hạn, xâm nhập ở tỉnh Bến Tre rất gay gắt; nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 70 km. Trên sông Cửa Đại, độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 50 km; trên sông Hàm Luông, độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông 62,4 km; trên sông Cổ Chiên độ mặn 4‰ xâm nhập cách cửa sông hơn 48 km.

10-btre1.png
Cống đập tại xã An Khánh, huyện Châu Thành(Bến Tre) đã phải đóng kín để ngăn mặn xâm nhập

Theo ghi nhận của Sở Nông nghiệp nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre tổng hợp từ các ngành, địa phương, đến nay xâm nhập mặn gây thiếu nước phục vụ sản xuất cây giống, cây ăn trái với diện tích khoảng 4.000 ha của huyện Chợ Lách.

Riêng đối với lĩnh vực cấp nước sinh hoạt, mặn xâm nhập sâu nên ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy. Do đó, có nguy cơ gây thiếu nước cho khoảng 25.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất 10.500 m³/giờ. Tuy nhiên, mặn xâm nhập sâu đã ảnh hưởng đến nguồn lấy nước của các nhà máy. Trong đó, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre quản lý 5 nhà máy cấp nước; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre quản lý 32 nhà máy cấp nước; các nhà máy nước còn lại do các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn tỉnh quản lý. Do nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền nên hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 46 nhà máy cấp nước có độ mặn từ 1 - 3‰. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nước sinh hoạt đang nỗ lực tìm nguồn nước ngọt cấp bổ cho các nhà máy xử lý nước; tổ chức đo mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp kết hợp vận hành hệ thống lọc mặn RO.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho hay, thời gian qua, tình trạng xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh diễn ra thường xuyên. Qua các đợt hạn mặn cho thấy, khả năng thích ứng của người dân rất là quan trọng trong công tác phòng, chống và ứng phó. Để giúp người dân thích ứng trong sản xuất và sinh hoạt, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chia sẻ thông tin về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn trên báo, đài, cổng thông tin của tỉnh, mạng xã hội như Zalo, Facebook,.. xây dựng tài liệu khuyến cáo và phổ biến rộng rãi để người dân kịp thời nắm bắt các thông tin.

Giảm giá nước sạch sinh hoạt -giải pháp tình thế trong mùa hạn mặn

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 34/CĐ-TTg ngày 8/4/2024 về việc tập trung bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân trong các đợt xâm nhập mặn cao điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long, áp dụng vào thực tế địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam đã ký văn bản về chủ trương giảm giá nước sạch sinh hoạt trong mùa hạn mặn đối với Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre nhằm chia sẻ khó khăn với nhân dân về vấn đề thiếu nước trong mùa khô hạn.

Theo đó, đơn vị này thực hiện giảm 10% giá tiêu thụ nước sạch cho tất cả mục đích sử dụng nước của khách hàng gồm: nước sinh hoạt các hộ dân cư; phục vụ công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp; hoạt động sản xuất, kinh doanh. Giá giảm trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chưa có phí bảo vệ môi trường.

10-btre.jpg
Cán bộ kỹ thuật Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre kiểm tra đo độ mặn tại cống thủy lợi Tre Bông, xã Tiên Thủy, huyện Châu Thành. Ảnh TTX VN

Theo đó, giá nước sinh hoạt các hộ dân cư là 8.000 đồng/m3; phục vụ công cộng, đơn vị sự nghiệp hành chính 8.500 đồng/m3; hoạt động sản xuất vật chất 9.000 đồng/m3 và hoạt động kinh doanh dịch vụ là 9.800 đồng/m3.

Giá nước giảm sẽ áp dụng với cho tất cả các mục đích sử dụng nước, gồm: Nước sinh hoạt các hộ dân cư; phục vụ công cộng, đơn vị hành chính sự nghiệp; hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động kinh doanh dịch vụ. Giá giảm trên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, chưa có phí bảo vệ môi trường.

Thời gian thực hiện là 2 kỳ hóa đơn tiền nước gồm: kỳ tháng 4 và kỳ tháng 5/2024.

Do nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền khoảng 70 km nên nguồn nước đã qua xử lý tại nhiều trạm cấp nước sinh hoạt vùng nông thôn đã nhiễm mặn. Các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh nước sinh hoạt trên địa bàn đang nỗ lực tìm nguồn nước ngọt cấp bổ cho các nhà máy xử lý nước. Chỉ riêng công ty cổ phần Cấp nước Bến Tre đã dùng sà lan đến thượng nguồn sông Tiền vận chuyển 11 chuyến với hơn 7.700 mét khối nước ngọt về phục vụ cho nhà máy nước Chợ Lách với chi phí cao phải bù lỗ 12.000 đồng/khối.

Chủ trương của tỉnh Bến Tre là đối với các nhà máy có hệ thống lọc RO thì tăng cường hoạt động và phân phối cấp nước đến người dân kịp thời. Các nhà máy cấp nước có độ mặn vượt ngưỡng cho phép, chủ động phối hợp với các nhà máy có nước ngọt (trong ngưỡng cho phép) để trao đổi, kết nối sao cho người dân có đủ nước ngọt sinh hoạt. Những nhà máy nước nào bị nhiễm mặn và không có điều kiện kết nối với nguồn nước ngọt thì phải chở nước ngọt về cung cấp cho người dân đủ nước sinh hoạt. Các doanh nghiệp, nhà máy có nước bị nhiễm mặn chia sẻ giảm giá nước cho người dân.

Theo ông Đoàn Văn Đảnh, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường đào tạo, tập huấn kỹ thuật hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Đồng thời, tiếp tục phát huy tính sáng tạo, nhân rộng cách làm hay, mô hình thích ứng hiệu quả trong sản xuất cũng như các mô hình trữ nước ngọt trong thời gian qua để giúp người dân nâng cao năng lực thích ứng với xâm nhập mặn.

Ông Đảnh thông tin hiện tỉnh đang phối hợp triển khai Dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải, mục tiêu cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch hiện hữu và tương lai dọc tuyến trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre.

Ngoài việc giảm giá nước sinh hoạt cho người dân, lãnh đạo tỉnh Bến Tre còn đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn, kịp thời thông tin đến người dân cũng như tham mưu, đề xuất giải pháp phòng chống, ứng phó phù hợp. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi diễn biến xâm nhập mặn, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương vận hành các công trình thuỷ lợi, tăng cường công tác kiểm tra tình hình ô nhiễm nguồn nước nhằm tiêu mặn, lấy ngọt, giảm ô nhiễm môi trường, phục vụ sản xuất.

Tỉnh cũng đang đề xuất dự án để cùng nhau thích ứng với biến đổi khí hậu nói chung và xâm nhập mặn nói riêng như: Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững từ nguồn KOICA. Dự án dự kiến thực hiện tại 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, nhằm mục tiêu Phát triển sản xuất nông nghiệp xanh - bền vững gắn kết chuỗi giá trị và thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng hấp thụ giảm thiểu phát thải nhà kính.

Bài liên quan
  • Vĩnh Long đưa giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt vùng nông thôn
    Trước thực trạng nắng nóng gay gắt, xâm nhập mặn kéo dài gây thiếu nước sản xuất cũng như nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Vĩnh Long đã đưa ra một số giải pháp có thể giúp cho người dân khai thác, sử dụng nguồn nước an toàn cho sinh hoạt trong mùa hạn, mặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn mặn ở Bến Tre và giải pháp tình thế đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân