Do ảnh hưởng bởi cơn bão lớn bắt nguồn từ khu vực Nội Mông ở phía bắc Trung Quốc và vùng phụ cận của sa mạc Gobi, Hàn Quốc lần đầu tiên trong một thập kỷ đã phát cảnh báo bụi vàng tại hầu hết các vùng trên toàn quốc vào ngày 29/3.
Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc khuyến cáo những người có vấn đề về hô hấp hoặc tim mạch, trẻ em và những người dễ bị ảnh hưởng khác không nên ra ngoài nếu không cần thiết.
Cụ thể, nồng độ các hạt bụi mịn có đường kính nhỏ hơn 10 micromet, còn được gọi là PM10, đã chạm đỉnh 973 microgam/m3 ở thành phố Gunsan vào lúc 1h ngày 30/3. Các nhà chức trách ở đây phân loại nồng độ PM10 từ 0-30 microgam là “tốt”, từ 31-80 là “bình thường”, từ 81-150 là “xấu” và hơn 150 là “rất xấu”.
Bụi vàng lan rộng trong nhiều khu vực ở Hàn Quốc
Các khu vực khác trên khắp đất nước cũng bị ảnh hưởng bởi bụi vàng, với cảnh báo bụi vàng ở tỉnh Chungcheong Nam, vùng Jeolla, đảo Jeju, đảo Ulleung và Dokdo vẫn được giữ nguyên.
Tuy nhiên, cảnh báo tương tự ở thủ đô Seoul và các khu vực lân cận, phần phía Nam của tỉnh Gangwon, tỉnh Bắc Chungcheong, Daejeon và Sejong đã được gỡ bỏ sau khi nồng độ bụi vàng giảm mạnh.
Viện Nghiên cứu môi trường quốc gia dự báo, bụi mịn ở Incheon, một phần của tỉnh Gyeonggi, các tỉnh Chungcheong, Jeolla, Gyeongsang và Jeju vẫn ở mức “rất xấu” trong cả ngày.
Các biện pháp giảm phát thải khẩn cấp đã được đưa ra ở Busan, Gwangju, tỉnh Nam Chungcheong, các tỉnh Nam và Bắc Jeolla, tỉnh Nam Gyeongsang và đảo Jeju. Các phương tiện được phân loại hạng 5 về phát thải đã bị cấm sử dụng trong khu vực và 18 nhà máy nhiệt điện than cũng đã buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Bên cạnh đó, Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng cho biết mức độ “thận trọng” cao thứ ba trong thang cảnh báo khủng hoảng 4 cấp độ về bụi vàng lần đầu tiên đã được thực hiện ở tất cả 17 tỉnh và thành phố trên cả nước. Thông thường, bụi cát vàng ở Hàn Quốc chủ yếu chỉ gồm bụi cát nhưng đợt bụi cát vàng lần này đang cuốn theo nhiều chất gây ô nhiễm không khí, trong đó nồng độ kim loại nặng (như chì) cũng tăng cao.
Ngọc Linh