Tại Bạc Liêu, do ảnh hưởng thời tiết, đặc biệt là mưa lớn kéo dài đã làm cho hơn 20.000ha lúa bị thiệt hại ở các mức độ khác nhau. Trong đó trà lúa thu đông xuống giống bị thiệt hại hơn 7.000ha cùng với đó, nhiều diện tích lúa hè thu muộn bị ngập, lúa bị lên mộng nhưng vẫn chưa thu hoạch được.
Lúa bị ngập ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau)
Song song đó, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh này còn khoảng 14.000ha lúa hè thu đã chín đang chờ thu hoạch. Riêng huyện Trần Văn Thời diện tích lên tới 13.260ha. Tại các vùng trũng của huyện nước bị ngập kéo dài, lúa bị đổ ngã nên máy gặt đập liên hợp không thể thu hoạch được. Theo thống kê toàn tỉnh Cà Mau, mưa lớn kéo dài kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ngập 20.980ha lúa, 3.800ha nuôi trồng thủy sản, gần 300ha hoa màu, nhiều tuyến đường bị ngập, hư hỏng, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay thiên tai đã làm thiệt hại trên địa bàn tỉnh khoảng 7,1 tỷ đồng tăng hơn 2 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đó, những ngày qua mưa lớn làm 9.700 ha lúa thu đông bị đổ ngã, ngập úng. Mưa lớn, làm triều cường các sông, kênh rạch dâng cao, gây ngập úng cục bộ hơn 304 ha cây ăn trái. Có hơn 26 ha mía bị đổ ngã, 1.062 ha mía bị ngập từ 5 – 30 cm, những diện tích mía này đang giai đoạn sắp thu hoạch. Theo ghi nhận có 333 ha rau màu bị ngập úng cục bộ, ước tỷ lệ thiệt hại từ 5 – 30%. Trong khi đó, tại Sóc Trăng đã có khoảng 4.400ha lúa bị đổ ngã và ngập nước do ảnh hưởng của mưa bão và triều cường, trong đó có khoảng 1.000ha có nguy cơ bị thiệt hại năng suất từ 30-70%, 155ha bị thiệt hại trên 70%, còn lại ở mức dưới 30%.
Những ngày gần đây tại các tỉnh ĐBSCL trời đã có nắng nhưng tiến độ thu hoạch lúa bị ngập của nông dân vẫn còn chậm. Nguyên nhân, lúa ngập lâu ngày, đổ ngã, chìm trong nước nên máy gặt đập liên hợp không cắt được, trong khi đó nhân công thu hoạch lại thiếu.
Ðể hỗ trợ người dân giảm thiểu thiệt hại, ngành nông nghiệp và chính quyền tại các địa phương ở ĐBSCL đang huy động tối đa máy móc, thiết bị và nhân lực giúp người dân thu hoạch lúa. Rà soát, gia cố bờ bao, đắp đập tạm để khoanh ô thủy lợi ở những nơi có khả năng khép kín, lúa và các loại cây trồng ít bị thiệt hại hoặc có thể thu hoạch, tích cực bơm nước ra bên ngoài, kết hợp vận hành hệ thống cống khi thủy triều xuống thấp để chống ngập úng, bảo vệ sản xuất…
Minh Châu