Hàng loạt quốc gia châu Âu căng mình chống cháy rừng và nắng nóng kỷ lục
Từ Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức và Tây Ban Nha, hàng loạt đám cháy rừng đang bùng phát dữ dội giữa lúc châu Âu hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục do hiện tượng “mái vòm nhiệt”.
Nhiều quốc gia "căng thẳng" trong hỏa hoạn
Trên hòn đảo du lịch Crete của Hy Lạp, một đám cháy rừng do gió mạnh thổi bùng đã buộc khoảng 5.000 người phải sơ tán, trong đó có khoảng 3.000 khách du lịch.
Ngọn lửa bắt đầu gần thị trấn Ierapetra, khu nghỉ mát nổi tiếng ở bờ biển phía đông nam, nhanh chóng lan rộng và đe dọa nhà dân cùng các khách sạn ven biển.

Khoảng 230 lính cứu hỏa, 46 xe chữa cháy cùng trực thăng đã được điều động tới hiện trường. Tuy nhiên, theo ông Vassilis Vathrakogiannis, người phát ngôn lực lượng cứu hỏa Hy Lạp, gió giật mạnh, có lúc lên tới cấp 9 theo thang Beaufort, khiến lửa liên tục bùng phát trở lại và gây khó khăn lớn cho công tác khống chế. Trước tình hình nguy cấp, chính quyền đã phải ra lệnh sơ tán khẩn cấp bốn khu định cư.
Việc sơ tán chủ yếu diễn ra trong đêm nhằm giảm rủi ro. Một số người hoảng loạn đã lao xuống biển và được ngư dân cùng thợ lặn địa phương cứu giúp. Tính đến nay, khoảng 3.000 khách du lịch và 2.000 cư dân đã được di dời có tổ chức, trong khi khoảng 5.000 du khách khác cũng chủ động rời khỏi khu vực nguy hiểm.
Một số người dân và du khách hiện trú tạm trong sân vận động có mái che, trong khi số khác đã rời Crete bằng thuyền. Truyền thông địa phương cho biết một số ngôi nhà đã bị hư hại do hỏa hoạn.
Thị trưởng Ierapetra, ông Manolis Frangoulis mô tả đây là tình huống "hết sức khó khăn" và cho biết lực lượng cứu hỏa đang tranh thủ thời điểm gió tạm lắng để khoanh vùng lửa. "Rất may chưa có ai bị thương," ông nói.
Không chỉ đảo Crete, vùng Halkidiki ở miền Bắc Hy Lạp cũng đang phải đối mặt với một đám cháy lớn khác. Lực lượng phản ứng nhanh gồm 160 lính cứu hỏa và 49 xe chữa cháy đang được triển khai nhằm ngăn ngọn lửa lan rộng.
Cùng thời điểm, tại Thổ Nhĩ Kỳ, các đám cháy rừng cũng đang hoành hành ở Cesme và Ödemiş, thuộc tỉnh ven biển İzmir. Chính quyền đã sơ tán ba ngôi làng trong vùng, nhưng một người đàn ông lớn tuổi nằm liệt giường đã không thể được di dời kịp thời và thiệt mạng do lửa bao vây.
Tình hình cũng đang căng thẳng tại miền Đông nước Đức, nơi gần 500 lính cứu hỏa đang vật lộn với các đám cháy gần khu vực Gohrischheide, giáp ranh giữa hai bang Saxony và Brandenburg. Hỏa hoạn đã khiến hơn 100 người phải sơ tán và làm hai nhân viên cứu hộ bị thương nặng.
Đặc biệt, khu vực cháy nằm trong một bãi huấn luyện quân sự cũ chứa đạn dược chưa nổ, khiến lực lượng cứu hỏa không thể tiếp cận trực tiếp và đám cháy vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát tính đến ngày thứ năm.
Ở phía tây nam châu Âu, Tây Ban Nha cũng không tránh khỏi thiệt hại. Tại tỉnh Lleida, phía đông bắc nước này, cháy rừng đã thiêu rụi hơn 5.500 ha đất nông nghiệp. Hai người đàn ông, 32 và 45 tuổi, đã tử vong do ngạt khói khi tham gia ứng phó.
Nhiệt độ phá kỷ lục tại châu Âu
Đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài đang diễn ra trên khắp châu Âu là lời cảnh báo rõ rệt về tương lai khí hậu ở 'lục địa già' - nơi những mùa hè cực đoan dần trở thành "bình thường mới".
Từ việc hạn chế lao động ngoài trời ở Ý, các trường học đóng cửa ở Pháp đến cuộc chiến chống cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ - những phản ứng cấp bách này phản ánh một thực tế: châu Âu chưa thực sự sẵn sàng đối mặt với khí hậu cực đoan đang ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn.

Nguyên nhân chủ yếu của đợt nắng nóng kéo dài này là hiện tượng mái vòm nhiệt - khối áp suất cao lớn bao trùm từ Bắc Phi tới Nam và Trung Âu, giữ chặt không khí nóng dưới mặt đất và khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên diện rộng.
Tại Tây Ban Nha, thị trấn El Granado ghi nhận 46°C hôm 29-6, mức cao nhất lịch sử tháng 6 từng được ghi nhận ở quốc gia này. Tại Bồ Đào Nha, thành phố Mora lập kỷ lục 46,6°C, đánh dấu tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay.
Tại Italia, nền nhiệt tại một số thành phố như Rome, Milan, Palermo vượt 40°C, buộc chính phủ phải ban hành cảnh báo đỏ ở 18 thành phố – mức cảnh báo cao nhất, đe dọa cả người khỏe mạnh.
Ít nhất năm người tử vong tại Italia, bao gồm hai người cao tuổi tại Sardinia, một công nhân xây dựng gần Bologna, một phụ nữ ở Palermo và một bệnh nhân tim 85 tuổi ở Genoa. Tình trạng mất điện cục bộ đã xảy ra tại Rome do hệ thống điện quá tải vì sử dụng điều hòa.
Ở Pháp, nhiệt độ ở khu vực đông nam cũng chạm ngưỡng 36°C. Croatia, Hungary, Ba Lan, Slovakia và Tây Ban Nha đều dự kiến ghi nhận mức nhiệt trên 35°C trong tuần đầu tháng 7.
Nhiệt độ tại miền trung Albania đã đạt 40°C vào ngày 3.7, trong khi dự báo lượng mưa thấp kéo dài đến tháng 9 khiến nông dân lo ngại sản lượng nông nghiệp sẽ sụt giảm mạnh. Serbia cũng cảnh báo về một đợt “hạn hán nghiêm trọng” đang ảnh hưởng đến mùa màng trên toàn quốc.
Tại nhiều nước, các biện pháp hạn chế lao động ngoài trời trong giờ cao điểm nắng nóng đã được ban hành, dù không bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều người lao động, đặc biệt trong ngành xây dựng và nông nghiệp vẫn buộc phải làm việc, đối mặt nguy cơ sốc nhiệt.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đợt nắng nóng kéo dài còn gây sức ép lớn lên các hạ tầng năng lượng tại châu Âu.
Tại bang Aargau của Thụy Sĩ, nhà máy điện hạt nhân Beznau buộc phải tạm ngắt một phần khỏi lưới điện do ảnh hưởng của đợt nắng nóng đang diễn ra. Trong số hai lò phản ứng tại đây, một lò đã ngừng hoạt động hoàn toàn, trong khi lò còn lại chỉ vận hành ở mức 50% công suất.
Theo công ty vận hành nhà máy Axpo, nguyên nhân là do nhiệt độ nước sông Aare, nơi cung cấp nước làm mát cho nhà máy, đã tăng quá cao. Việc tạm dừng hoạt động nhằm tránh thải thêm nước nóng ra dòng sông vốn đã ở mức nhiệt nguy hiểm, có thể đe dọa đến hệ sinh thái, đặc biệt là các loài động thực vật hoang dã sinh sống tại đây.
Các nhà khoa học cho rằng đợt nắng nóng năm nay đến sớm và dữ dội hơn bình thường, một phần do sự hình thành của “mái vòm nhiệt”, hiện tượng không khí nóng bị giữ lại trên diện rộng bởi áp suất cao, ngăn cản sự lưu thông không khí mát. Việc nhiệt độ bề mặt biển tăng bất thường cũng góp phần khuếch đại hiện tượng này.