Hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt ở Tây Nguyên hoạt động kém hiệu quả

Theo TTXVN|24/09/2017 03:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động, gây lãng phí nhiều tỷ đồng của Nhà nước.

Khu vực Tây Nguyên người dân còn khó khăn về nguồn nước sạch sinh hoạt

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động, gây lãng phí nhiều tỷ đồng của Nhà nước và cho người dân thiếu nước sạch sinh hoạt.

Chỉ tính riêng ba tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông đã có 314 công trình cấp nước tập trung nằm ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động.

Gia Lai là địa phương được Nhà nước đầu tư vốn xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhất với trên 300 công trình. Qua kiểm tra, chỉ có 56 công trình hoạt động bền vững, 124 công trình hoạt động bình thường, còn lại 120 công trình hoạt động kém hiệu quả, ngưng hoạt động.

Đắk Nông được Nhà nước đầu tư trên 233 tỷ đồng để xây dựng 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho hơn 20.000 đồng bào các dân tộc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Qua kiểm tra, tỉnh chỉ có 103 công trình hoạt động cấp nước tập trung hoạt động bình thường, còn lại 127 công trình ngưng hoạt động, bỏ hoang….

Nguyên nhân có nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hư hỏng, ngưng hoạt động là do các địa phương vùng Tây Nguyên đầu tư xây dựng tràn lan, thiếu đồng bộ, thiếu đội ngũ quản lý vận hành. Nhiều công trình xây dựng ở những nơi chưa có điện lưới quốc gia, thiếu kinh phí để duy tu bảo dưỡng…

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên kiểm tra, thống kê lại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung để có kế hoạch đầu tư tu bổ, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng hoạt động các công trình; đồng thời, chủ động chuyển đổi mô hình quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung.

Trước mắt, các địa phương thuộc các tỉnh Tây Nguyên cần có kế hoạch bàn giao lại một số công trình cấp nước tập trung có quy mô lớn về cho các Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý, thành lập các hợp tác xã, tổ quản lý khai thác hiệu quả các công trình cấp nước tập trung ở các huyện, thị xã….

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 1.000 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ nước sinh hoạt cho hàng vạn đồng bào các dân tộc ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới; trong đó, các tỉnh Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk có 682 công trình.

Theo TTXVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hàng trăm công trình cấp nước sinh hoạt ở Tây Nguyên hoạt động kém hiệu quả
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.