Hệ thống thoát nước đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long bộc lộ nhiều hạn chế

Hoàng Linh|06/12/2023 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Mỗi khi mưa lớn hoặc bước vào kỳ triều cường, các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường bị ngập, một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng này là do hệ thống thoát nước chưa đảm bảo.

Vùng ĐBSCL đang đứng trước cảnh báo là một trong ba vùng đồng bằng bị ngập lụt, mất đất lớn nhất trên thế giới. Hiện nay, tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt khoảng 30% và dự báo đến năm 2025 sẽ tăng lên 35%. Điều này đặt ra nguy cơ ngập lụt rất lớn cho các đô thị trong vùng.

Thực tế, ngay tại trung tâm của vùng là TP Cần Thơ, ngập do triều cường là một loại hình thiên tai đang phổ biến. Một số địa phương khác cũng có diện tích ngập tương đối lớn như: Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu hay Cà Mau… điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân.

he-thong-thoat-nuoc-do-thi.jpeg
Khu vực thuộc tỉnh Hậu Giang

Tại tỉnh Hậu Giang, đã từng có chuyên gia quốc tế khi làm việc tại địa phương này đánh giá rằng hầu như tỉnh chưa có hệ thống tiêu thoát nước đô thị, nước mưa và các dịch vụ đô thị hoàn chỉnh.

Một điểm chung hiện đang tồn tại ở nhiều đô thị trong vùng là cứ hễ trời mưa lớn là xảy ra ngập, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu. Từ đây cũng bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó có việc hệ thống cống thoát nước chưa đảm bảo, thậm chí bị quá tải.

TS Đinh Diệp Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá, xu thế hiện nay tình trạng ngập đô thị khi mưa lớn xảy ra thường xuyên hơn. Thực tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời gian gần đây, những trận mưa lớn cực đoan xuất hiện thường xuyên. Dẫn đến một lượng nước mưa chảy tràn nhiều và lớn hơn so với thiết kế của các hệ thống thoát nước đô thị.

Bên cạnh đó, đặc điểm địa hình vùng ĐBSCL khá bằng phẳng, cao độ tương đối thấp. TS Tuấn nhận định, hệ thống thoát nước được thiết kế để đảm bảo độ dốc tiêu thoát nước, tại những điểm cuối của các cống, cửa xả, thường rất khó để thiết kế được cao độ đảm bảo cao hơn mực nước triều. Do đó, khi triều cường xảy ra, nước từ các sông rạch dâng lên và chảy vào các tuyến cống. Điều này vô tình làm giảm năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước ở các đô thị.

Ngoài ra, trong tiến trình đô thị hóa, để tăng khả năng chống chịu, thích ứng, ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, những đô thị đi trước như: TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ… đều trải qua thách thức trong việc quản lý rủi ro ngập lụt đô thị. Đây chính là bài học kinh nghiệm cho những đô thị mới, nhỏ hơn trong tiến trình đô thị hóa có thể gặp phải như TP Ngã Bảy, TP Vị Thanh của tỉnh Hậu Giang.

Do đó, những đô thị mới này có nhiều cơ hội hơn trong việc quản lý rủi ro ngập lụt. Điển hình như trong giai đoạn quy hoạch đô thị hay quy hoạch sử dụng đất đô thị, cần triển khai đồng thời việc xem xét, đánh giá, bố trí sử dụng đất và các công trình ở những khu vực có rủi ro ngập lụt cao, bố trí khu dân cư phù hợp. Ở những khu vực có rủi ro ngập thấp, có thể áp dụng các giải pháp phát triển đô thị sau, chống ngập dựa vào tự nhiên như xây dựng hồ chứa kết hợp hạ tầng xanh để hỗ trợ, nâng cao khả năng chống chịu cho đô thị trong tương lai.

TS Tuấn cũng lưu ý, khi đầu tư một công trình hạ tầng quá lớn, để đảm bảo “chịu” được các hiện tượng cực đoan xảy ra, nguồn kinh phí đầu tư sẽ đội lên rất cao. Ngược lại, nếu đầu tư thấp lại không đảm bảo an toàn cho đô thị.

“Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng phương pháp đầu tư linh hoạt ở thời điểm nhất định. Đối với những sự kiện cực đoan tần suất xảy ra ít hơn, các địa phương trong vùng cần tìm giải pháp linh hoạt điều chỉnh để thích ứng”, TS Tuấn cho biết.

Để giải quyết vấn đề ngập đô thị, giải pháp được các địa phương vùng ĐBSCL thực hiện phổ biến là nâng cấp hệ thống thoát nước, xây dựng tường bao ngăn triều cường, hay nâng cấp mặt đường. Tuy nhiên, TS Tuấn đánh giá, về lâu dài, để nâng cao khả năng chống chịu ngập trong đô thị, cơ quan chuyên môn cần quan tâm, kết hợp nhiều giải pháp vừa công trình, phi công trình, bố trí lại vị trí các công trình, dựa trên nền tự nhiên.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Hệ thống thoát nước đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long bộc lộ nhiều hạn chế